Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long
Với 1,5 triệu ha đất lúa, vào mỗi vụ thu hoạch rộ, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) lại phải lo tìm thuê máy và nhân công thu hoạch. Thực trạng này diễn ra đã lâu. Nguyên nhân chính là toàn vùng chưa được đầu tư hệ thống cơ giới hóa khâu thu hoạch và chính quyền cũng như ngành nông nghiệp các tỉnh chưa thật sự coi trọng vấn đề này...
Với 1,5 triệu ha đất lúa, vào mỗi vụ thu hoạch rộ, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) lại phải lo tìm thuê máy và nhân công thu hoạch. Thực trạng này diễn ra đã lâu. Nguyên nhân chính là toàn vùng chưa được đầu tư hệ thống cơ giới hóa khâu thu hoạch và chính quyền cũng như ngành nông nghiệp các tỉnh chưa thật sự coi trọng vấn đề này…
Cơ giới chưa đáp ứng
Những mùa vụ gần đây, để né rầy, tránh lũ, các tỉnh trong vùng ÐBSCL xuống giống đồng loạt, đến khi thu hoạch do thiếu nhân công, không đủ máy móc, cho nên nông dân vã mồ hôi chạy lo thu hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hậu Giang, đầu tháng 3 là thời điểm nông dân thu hoạch rộ vụ đông xuân 2012-2013 nhưng nhiều nông dân không thuê được máy gặt đập liên hợp (GÐLH), trong khi giá thuê nhân công tăng lên gấp hai lần, mà vẫn thiếu trầm trọng. Anh Nguyễn Văn Lên ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) ngao ngán: “Gia đình tôi có 1,3 ha lúa, lúc lúa chín rụt nhưng vẫn không thuê được máy, tìm đỏ mắt cũng không có người cắt. Lúc đầu thuê máy GÐLH giá 260.000 đồng/công, sau tăng lên 350.000 đồng/công, nhưng cũng không có máy. Tôi phải sang các xã gần đó thuê nhân công cắt tay giá đến 400.000 đồng/công, nhưng phải tốn thêm 200.000 đồng/công chi phí thuê máy suốt, công kéo lúa…”.
Tại tỉnh Kiên Giang, tình trạng cũng tương tự. Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hòn Ðất Ðào Xuân Nha cho biết, do xuống giống đồng loạt nên đến nay, gần 80 nghìn ha lúa của huyện thu hoạch cùng thời điểm. Vì vậy, dù Hòn Ðất là huyện đứng thứ hai (sau Tân Hiệp) về số lượng máy GÐLH của tỉnh Kiên Giang, nhưng nhiều nông dân phải chịu cảnh lúa chín rụt, sập trên đồng. “Hằng năm, đến vụ thu hoạch lúa, máy GÐLH từ tỉnh An Giang tràn sang Hòn Ðất, nhưng hiện nay, cung vẫn không đủ cầu, giá thuê máy và công tăng vùn vụt mà vẫn thiếu”. Còn theo Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Càng Long (Trà Vinh) Huỳnh Minh Trí, huyện được hỗ trợ mua 52 máy GÐLH, nâng số lượng máy trên địa bàn lên 153 chiếc, nhưng lượng máy này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu. Vì vậy, tình hình thiếu nhân công, thiếu máy thu hoạch lúa ở đây ngày càng gay gắt. Còn tại TP Cần Thơ, từ năm 2011 đến nay, địa phương hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng ba năm giúp nông dân mua thêm 200 máy GÐLH, nâng tổng số máy của Cần Thơ lên hơn 500 máy, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thu hoạch lúa.
Hiện toàn vùng ÐBSCL có hơn 9.000 máy GÐLH, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thu hoạch, diện tích còn lại phải thu hoạch thủ công. Theo khảo sát của Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại đây từ 13 đến 14%, tương đương mỗi năm thiệt hại khoảng 635 triệu USD (khoảng 12.700 tỷ đồng). Dẫn đầu là khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch mất 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển 0,9%. Ngoài ra, tổn thất các phụ phẩm khác của lúa gạo cũng lên đến 50%. Do chưa cơ giới hóa đồng bộ sau thu hoạch, cho nên chất lượng lúa gạo của Việt Nam phần lớn thuộc cấp thấp, giá bán thường thấp hơn gạo của Thái-lan từ 80 đến 100 USD/tấn. Riêng khâu phơi sấy và tồn trữ lúa gạo chưa đáp ứng quy trình đã làm giảm giá trị hạt gạo Việt Nam xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm.
Vướng mắc từ chính sách hỗ trợ
Ðể đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất lúa, chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất. Các địa phương cũng tùy theo nhu cầu, điều kiện mà có cơ chế hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên khi đi vào thực hiện các chính sách, cơ chế này gặp không ít vướng mắc, gây khó cho người dân. Theo Quyết định số 63/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản (QÐ 63) quy định chỉ hỗ trợ (vốn vay và lãi suất) đối với máy thu hoạch lúa có tỷ lệ nội địa hóa từ 60% trở lên. Trong khi hầu hết các máy GÐLH đạt giải cao, được nông dân ưa chuộng tại các hội thi do Bộ NN và PTNT tổ chức đều có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, máy lắp ráp trong nước cũng khó có thể đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%. Mặt khác, dù giá rẻ nhưng hầu hết người dân không thích máy sản xuất trong nước vì hay bị sự cố, chất lượng lúa không cao. Các loại máy GÐLH nhập của nước ngoài đáp ứng tính năng kỹ thuật tốt, nông dân rất ưa chuộng nhưng giá bán quá cao, gần 550 triệu đồng/máy. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hậu Giang Lê Văn Ðời cho biết, thực hiện đề án cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015, Hậu Giang đầu tư 180 tỷ đồng để trang bị 100 máy GÐLH với hình thức hỗ trợ người mua vay vốn 70% giá trị máy thông qua tín chấp, thế chấp tài sản, 30% còn lại do nông dân tự bỏ ra, theo QÐ 63. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư thêm khoảng 3.400 máy móc, thiết bị khác như: xây dựng lò sấy, mua máy cày, máy cấy, máy phun thuốc, máy tách hạt… nhằm bảo đảm có 70% diện tích lúa đông xuân được thu hoạch bằng máy GÐLH và 70% lượng lúa hè thu được sấy vào năm 2015. Tuy nhiên, việc hỗ trợ mua máy GÐLH với 60% nội địa hóa, nông dân không mặn mà, vì rất khó sử dụng và không hiệu quả. Vì vậy, thông qua Ngân hàng NN và PTNT, ngân sách tỉnh chịu khoản lãi suất để nông dân vay 70% giá trị máy với lãi suất 0% trong hai năm để mua máy của Nhật Bản, phục vụ kịp thời vụ đông xuân 2012-2013. Thế nhưng, tiến độ thực hiện trình tự thủ tục để giải ngân vốn vay còn chậm, mới giải ngân được 48 máy GÐLH cho 87 trường hợp có đơn xin mua. Theo kỹ sư Lê Văn Tuyền, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), việc ngân hàng quy định các tập thể và cá nhân khi vay vốn mua máy phải có tài sản thế chấp và hàng hóa phải đạt tỷ lệ nội địa dẫn đến khó khăn cho nông dân, vì họ không còn tài sản khác ngoài đất đai.
Ông Ðoàn Văn Huề ở ấp Trà On, xã Huyền Hội, huyện Càng Long là người đã được dự án đầu tư máy nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh hỗ trợ mua một máy GÐLH, do dự án quy định phải mua máy có tỷ lệ nội địa 60%, cho nên chiếc máy của ông chỉ làm được ba vụ là hỏng. Ông Huề nói: “Vào một cánh đồng lúa chín tập trung, chỉ làm được 3 đến 5 ngày là hết lúa, thế mà máy chạy được vài giờ lại hư, phải tốn vài giờ để sửa, có khi phải đến cả ngày.
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Kiên Giang Trần Quang Củi đánh giá, các loại máy móc do Việt Nam và Trung Quốc sản xuất chỉ sử dụng sáu vụ (ba năm) là hư hỏng, không còn khả năng đi cắt thuê. Nhưng máy do Nhật Bản sản xuất có thời gian sử dụng dài hơn, có thể hoạt động ổn định đến 10 vụ. Theo thống kê sơ bộ, trong số 1.421 máy GÐLH đang có tại Kiên Giang có khoảng 25% số máy đã được mua trên năm năm và cũng ngần ấy số máy đã mua từ 3 đến 4 năm. Như vậy có đến 50% số máy GÐLH ở Kiên Giang hiện không thể hoạt động do hư hỏng.
Giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ÐBSCL khẳng định, cơ giới hóa trong sản xuất lúa, bảo quản sau thu hoạch là điều kiện bắt buộc trong giai đoạn hiện nay nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch. Các nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới tổn thất sau thu hoạch từ 4 đến 6%, còn tại ÐBSCL đặt mục tiêu giảm thất thoát sau thu hoạch xuống còn từ 6 đến 8%. Chỉ cần cơ giới hóa toàn bộ khâu thu hoạch lúa bằng máy GÐLH sẽ giảm tỷ lệ thất thoát từ 2 đến 3%. Vì vậy, để đạt được mục tiêu, Chính phủ, các tỉnh, thành phố trong vùng cần tăng cường đầu tư đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; sớm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh để nông dân tiếp cận được nguồn vốn.
Cụ thể, cần mở rộng quy định hỗ trợ nông dân mua máy móc theo yêu cầu, dỡ bỏ những quy định ràng buộc không phù hợp tại QÐ 63. Các địa phương cần có biện pháp để hệ thống ngân hàng NN và PTNT thực hiện tốt việc ưu tiên, hỗ trợ nông dân trong thực hiện các thủ tục để giải ngân nguồn vốn kịp thời. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ trên từng cánh đồng, từng vùng từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cơ cấu mùa vụ, mặt bằng đồng ruộng, cách làm đất, kỹ thuật canh tác, hệ thống tưới tiêu… để các loại máy hoạt động tốt. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu các mẫu máy đạt tiêu chuẩn chất lượng; mở các lớp đào tạo cho nông dân về kỹ thuật vận hành, sử dụng, bảo trì. Mặt khác, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở cơ khí đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất phụ tùng, sửa chữa cơ giới; xây dựng kế hoạch phát triển các cơ sở cơ khí tại các vùng nông thôn; tạo điều kiện kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp… Các doanh nghiệp cơ khí trong nước cần mạnh tay đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm bền, tốt, rẻ.
Nhandan

Ý kiến ()