Chuyện về cô gái mở đường Trường Sơn
- Nhớ về thời thanh xuân sôi nổi, nhiệt huyết, tham gia mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, bà Bùi Thị Định (sinh năm 1956, trú tại thôn Khòn Khuyên, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn), cựu chiến binh Trường Sơn không khỏi tự hào mỗi lần nhắc nhớ.
Tháng 8/1973, cô gái trẻ 17 tuổi Bùi Thị Định đã xung phong lên đường nhập ngũ. Sau khi huấn luyện tại Tiểu đoàn 14, Triệu Sơn, Thanh Hoá 2 tháng, tháng 11/1973, bà Định lên đường hành quân vào Quảng Trị, nhận nhiệm vụ làm đường 14 Khe Sanh. Lúc này bà được phân công vào Sư đoàn 473, Đoàn 559.

Năm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt. Thời điểm đó, tuyến đường vận tải quân sự chiến lược mang tên Trường Sơn (hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh) là tuyến đường huyết mạch để vận chuyển binh lực, lương thực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Bà Định là một trong hàng nghìn chiến sĩ tham gia mở đường Trường Sơn.
Bà Định kể lại: Tiểu đoàn của tôi có nhiệm vụ phải đào rãnh thoát nước, đo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mặt đường và dọn dẹp thật gọn gàng để bàn giao cho lực lượng thanh niên xung phong lát đường. Với tinh thần “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, chúng tôi miệt mài làm cả ngày lẫn đêm, buổi sáng bắt đầu từ 4 giờ 30 phút đến 22 giờ đêm mới ngơi tay. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ được ngủ khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ, ấy vậy mà ai cũng tràn đầy năng lượng, không bất kỳ ai than mệt, kể khổ, công việc dù vất vả nhưng rất vui, có lẽ là bởi chúng tôi đều đang thì 18, đôi mươi hừng hực sức trẻ.
Cũng vì sức trẻ ấy mà dù đường Trường Sơn bị bom cày đạn xới nhưng các con đường vẫn được sửa chữa, mở thêm nhiều nhánh, nối liền từ miền Bắc vào tới các căn cứ ở miền Nam. Những chiến sĩ mở đường đã vượt mọi gian khổ để nối những con đường đưa xe tới chiến trường. Cũng giống như lời bài hát “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao:
“Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường/Em đi lên rừng cây xanh mở lối/Em đi lên núi núi phải cúi đầu/Em đi bắc những nhịp cầu/Nối những con đường Tổ quốc yêu thương/Cho xe thẳng tới chiến trường".
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, thời tiết ở Trường Sơn vô cùng khắc nghiệt, mùa khô thì nắng “cháy da cháy thịt”, bụi mù mịt, đất đá khô nẻ, còn mùa mưa thì mưa lớn kéo dài, đường đất nhầy nhụa, trơn trượt gây khó khăn cho việc di chuyển của các đoàn quân và cho những người lính mở đường.
Bà Định nhớ: Mùa hè chúng tôi phải bịt kín từ đầu đến chân để tránh bụi, đất Trường Sơn là đất bazan đỏ, mỗi khi có gió thổi đến là bụi mù mịt như cơn lốc, quần áo chúng tôi sau một ngày làm việc đều phủ kín bụi. Còn đến mùa mưa, từng lớp bùn dày đặc gần 50 cm, chúng tôi phải hò nhau vào rừng chặt cây bắc thành cầu tạm cho xe qua.
Dù kiên cường, mạnh mẽ, đối diện với “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù vẫn chẳng run sợ nhưng những nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn lại có những nỗi sợ giản đơn như: mùa mưa sợ vắt bu kín chân, sợ sốt rét, ghẻ lở rồi rụng tóc, sợ ma… Song, nỗi sợ nào cũng không thể lấn át đi lòng căm thù giặc sâu sắc trong trái tim những cô gái mở đường. Đối với họ, nhiệm vụ làm đường mới là ưu tiên số một.

Chiến tranh ác liệt nên có những đợt, miền Nam không nhận được tiếp tế từ miền Bắc, có khi cả nửa năm trời, bà Định và đồng đội không được ăn cơm, phải ăn lương khô, củ chuối. Mùi vị bát cơm nóng, đĩa rau luộc cũng là điều xa xỉ đối với các chiến sĩ khi ấy. Song trong những ngày tháng gian khổ đó, những cô gái mở đường như bà Định vẫn tìm được niềm vui qua những bài hát, câu hò mà đồng đội cùng nhau ngân vang trong mỗi giờ giải lao, hay từ những lá thư tình mà các anh giải phóng quân “thầm thương trộm nhớ” gửi cho cô chiến sĩ mới tuổi 18.
Bằng tinh thần “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, những chiến sĩ mở đường như bà Định đã góp sức làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh lịch sử với hệ thống giao thông gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, gần 17.000 km đường xe cơ giới, từ đó góp phần to lớn trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tham gia kháng chiến, bà Định được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Giải phóng hạng Ba, huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 toàn thắng, bà Định vẫn tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ làm đường. Đến đầu năm 1977, bà Định được cử đi học tại Trường Nội thương Lạng Sơn. Sau 1 năm theo học, bà công tác trong ngành thương nghiệp đến tháng 1/1993 thì nghỉ hưu.
Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn để lại, ảnh hưởng đến bà Định và thế hệ sau. Làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, bà Định bị phơi nhiễm chất độc da cam. Điều đó cũng khiến con trai cả của bà Định bị bệnh u bướu, còn người con gái út thì bị điếc bẩm sinh một bên tai, thậm chí cháu nội của bà Định cũng bị dị tật này do chất độc da cam gây ra.
Trở về với cuộc sống đời thường, bà Định vẫn giữ được sự nhiệt huyết khi thường xuyên tham gia các hoạt động ở địa phương. Từ năm 1995 đến năm 2016 bà Định là Phó Chi hội Trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ và là Tổ trưởng tổ vay vốn Khối Cửa Đông (phường Chi Lăng). Hiện, bà là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ và Tuyên truyền của Hội Doanh nhân cựu chiến binh thành phố Lạng Sơn. Riêg từ đầu năm 2025 đến nay, bà Định đã tham gia 10 cuộc tuyên truyền về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kể chuyện truyền thống cho trên 15.000 lượt học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Ông Nông Quốc Toán, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh cho hay: Là một cựu chiến binh Đoàn 559, bà Định luôn phát huy được truyền thống bộ đội Trường Sơn, gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương, đặc biệt là thường xuyên tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, tham gia tuyên truyền về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Giờ đây, bà Định luôn tự hào khi có những năm tháng thanh xuân đầy ý nghĩa vì độc lập dân tộc. Ở tuổi 70, bà Định vẫn tiếp tục trao truyền những giá trị truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, làm sáng ngời phẩm chất, tinh thần của bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Ý kiến ()