Chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 18
LSO-Để siết chặt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã có Chỉ thị số 18 ngày 4/9/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Sau 5 năm chỉ thị được triển khai thực hiện, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn được giữ vững, ổn định và có những chuyển biến tích cực.
![]() |
Cán bộ Trạm Kiểm soát giao thông Tùng Diễn kiểm tra hành chính đối với lái xe khách tuyến Lạng Sơn – Hà Nội tại địa phận huyện Chi Lăng |
Ngay sau khi Chỉ thị 18 được ban hành, Lạng Sơn đã cụ thể hóa bằng các chương trình, chỉ đạo cụ thể. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 61 và Kế hoạch số 31 về tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 18; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 72 chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai nghiêm túc 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trong đó, xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, Tỉnh ủy đã thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về những hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm về TTATGT… Trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 – CT/TW đã có gần 2 triệu lượt người được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT.
Cùng với việc tuyên truyền, công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý các hành vi vi phạm pháp luật TTATGT cũng được các ngành, lực lượng chức năng chú trọng nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương ATGT, góp phần răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Thượng tá Nguyễn Thành Dùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết: Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 18, lực lượng công an nói chung và lực lượng CSGT Lạng Sơn nói riêng đã phát huy tốt là vai trò nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực đảm bảo TTATGT, trật tự xã hội trên địa bàn. Trong 5 năm, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 354.500 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; ra quyết định xử phạt, nộp kho bạc nhà nước trên 226 tỷ đồng.
Công tác TTKS và tuyên truyền được chú trọng đã góp phần giữ ổn định TTATGT, TNGT được kiềm chế, giảm cả ba tiêu chí, năm sau giảm hơn năm trước. Nếu năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 107 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 104 người, 76 người bị thương thì đến năm 2017 số vụ TNGT giảm còn 44 vụ, 47 người chết, 9 người bị thương. Đặc biệt so với 5 năm trước khi triển khai thì 5 năm sau đó toàn tỉnh giảm 431 vụ (55,8%), giảm 269 người chết (43,9%), giảm 577 người bị thương (75,2%).
Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị 18, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông – Vận tải và các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tập trung phát triển hạ tầng giao thông và năng lực vận tải, đồng thời tăng cường theo dõi, giám sát đối với các doanh nghiệp vận tải thông qua kiểm tra trực tiếp tại các bến, bãi, qua thiết bị giám sát hành trình… Do vậy, đã thiết lập trật tự trong hoạt động vận tải trên địa bàn; tình trạng xe khách đón trả khách không đúng nơi quy định hoặc tự ý tăng giá vào dịp cao điểm… cơ bản đã được giải quyết triệt để, chất lượng phục vụ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ông Lâm Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Trong những năm tới, dự báo tình hình TTATGT tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, để đảm bảo TTATGT, tiếp tục giảm sâu các vụ TNGT, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh xác định tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 18, trong đó đặc biệt triển khai đồng bộ các giải pháp và rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo TTATGT.
Có thể thấy rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã có nhận thức sâu sắc hơn về công tác đảm bảo TTATGT và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Kết quả đạt được sau 5 năm đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về TTATGT, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư ở địa phương.
HOÀNG CƯỜNG

Ý kiến ()