Chúng tôi chiến đấu dưới lá cờ của Đảng
- Trong những ngày tháng Tư lịch sử, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh theo lời mời của Thành ủy và UBND thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Là một trong những thành viên của đoàn công tác, trở về từ chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh, ông Hà Văn Thanh, cựu binh Trung đoàn 95 vẫn rưng rưng niềm xúc động. Năm mươi năm như vừa mới đâu đây, vẫn như còn văng vẳng bên tai tiếng hô xung trận của những người đồng đội...

Năm 1970, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên, hơn một vạn sinh viên miền Bắc đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận” chi viện cho các chiến trường miền Nam.
Từ năm 1970 đến 1972 hơn mười nghìn sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ. Đông nhất là sinh viên trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế Kế hoạch (nay là Kinh tế Quốc dân), Sư phạm, Mỏ - Địa chất, Y dược...
Từ thủ đô Hà Nội phong trào lan ra toàn miền Bắc, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Trường cấp 3 Cao Lộc (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn năm học 1969 - 1970) chỉ có một lớp 10 cũng là lớp cuối khoá (hệ 10 năm) đầu tiên kể từ ngày nhà trường thành lập, khi đó còn đóng chân ở Khòn Lượt, Pò Cại, xã Gia Cát. Các nam học sinh xung phong lên đường nhập ngũ. Công tác tuyển quân được tiến hành ngay, khẩn trương. Ban Tuyển quân của huyện về “lập chốt” ở cây đa bản Luận, xã Hòa Cư.
Sau khám sức khoẻ, có sáu nam sinh lớp 10 đủ điều kiện nhập ngũ, trong đó có Hà Văn Thanh vừa tròn mười tám tuổi.
Một sáng tháng 4/1970, các chàng trai lên đường nhập ngũ. Trước đó, nhà trường đã xét đặc cách tốt nghiệp. Đích thân thầy hiệu trưởng trao tấm bằng tốt nghiệp trong buổi lễ tiễn đưa. Hôm đó trời mưa, các chàng trai ra đi đầu không ngoảnh lại để khỏi mềm lòng trước những dòng nước mắt tiễn đưa của bạn gái, của mẹ, của các chị, các em... Đó là những năm tháng vô cùng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, người ra trận là nguyện hy sinh, không hẹn ngày về. Sau ngày đất nước thống nhất, sáu chàng trai của trường cấp 3 Cao Lộc xung phong ra trận ngày ấy, chỉ có một người sống sót trở về, đó là Hà Văn Thanh.

Ngồi trước mặt tôi là người lính, người cựu chiến binh đã ngoài bảy mươi năm tuổi đời, hơn năm mươi năm tuổi Đảng, ông điềm tĩnh kể: “Biết tôi có quyết định nhập ngũ, mẹ tôi vội vàng đem bán một con lợn, được một trăm tám mươi đồng, gói ghém lại, đưa hết cả cho tôi. Hôm nhập ngũ, cả trường tiễn đưa chúng tôi ra ga Lạng Sơn. Tôi được biên chế về Tiểu đoàn 9, Sư đoàn 304B đóng quân ở xã Quang Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Tháng 9 năm 1970, một nửa tiểu đoàn tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 248, quân khu Việt Bắc. Ngày 6 tháng 3 năm 1971, đơn vị được lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam tăng cường cho chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Đó là thời điểm cam go của cuộc chiến. Lực lượng hao hụt. Điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn. Đói lắm! Không đủ gạo ăn. Không có muối. Chúng tôi vừa chiến đấu, vừa phát nương trồng sắn. Mục tiêu của địch là phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam tại mặt trận miền Nam Việt Nam và tại Lào. Chúng tôi phải chiến đấu với lực lượng chủ lực của đối phương trong khi họ có sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ. Chúng tôi thắng là bởi vì chúng tôi đã chiến đấu bằng cả tính mạng. Thương vong cũng rất nhiều.
Chiến dịch Đường 9 Nam Lào kết thúc, chúng tôi được lệnh hành quân vào tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên, biên chế thuộc Trung đoàn 95 quân Giải phóng Tây Nguyên phiên hiệu là K63 trực thuộc Bộ Tư lệnh B3 mặt trận Tây Nguyên do tướng Hoàng Minh Thảo là Tư lệnh. Tháng 3 năm 1972, mở đầu chiến dịch Xuân - Hè 1972 (Chiến dịch mùa hè đỏ lửa) quân ta tiến hành cuộc tổng tấn công chiến lược bằng các đợt tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu vào hệ thống phòng ngự tại những hướng chiến lược quan trọng: Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu V và Khu VIII (Nam Bộ)... Phải nói là quyết chiến! Hai bên giành giật nhau từng tấc đất, từng mỏm đồi. Cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất, thương vong. “Chư pao ai oán hồn trong gió. Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường...”. Đơn vị chúng tôi chiến đấu ở chiến trường Bắc Tây Nguyên. Nhiệm vụ của chúng tôi là chặt đứt Đường 14, không cho địch chi viện từ Quy Nhơn lên Gia Lai - Kon Tum. Trận đánh nối tiếp trận đánh. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch. Một người lính ngã xuống là những người đồng đội lại vùng lên, quyết chiến! Giữa đạn bom khói lửa khốc liệt ấy, ngày 10 tháng 4 năm 1973 trong hầm nội âm chỉ rộng chừng sáu mét vuông, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một vinh dự, một trách nhiệm lớn lao của người chiến sĩ. Dưới lá cờ của Đảng, chúng tôi đã thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đồng đội hy sinh nhiều, không có quân bổ sung, cán bộ, chỉ huy cũng phải cầm hoả lực trực tiếp chiến đấu. Trong một trận đánh, tôi được giao nhiệm vụ là Tiểu đội trưởng tiểu đội đột phá cửa mở, chỉ huy tiểu đội đánh thẳng vào trung tâm căn cứ địch, mở đường cho tất cả các mũi tiến công hợp đồng tác chiến. Chỉ huy giao nhiệm vụ sau mười lăm phút khai hoả phải tiêu diệt và chiếm được lô cốt đầu. Chúng tôi có sáu người, hai bên sườn là hai khẩu DK75 yểm trợ. Trận đó tôi bắn năm quả đạn B40 mà theo lý thuyết, một người lính chỉ có thể bắn tối đa ba quả là điếc đặc, chỉ nhìn cờ hiệu mà chiến đấu tiếp. Đúng sau mười lăm phút tôi cắm cờ trên lô cốt đầu tiên, khi ấy cả năm người còn lại trong tiểu đội đều đã thương vong.
Trận đánh nối tiếp trận đánh. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch. Một người lính ngã xuống là những người đồng đội lại vùng lên, quyết chiến!
|
Sau trận đánh ấy, ngày 10 tháng 1 năm 19.74, tôi được trao quyết định trở thành đảng viên chính thức. Tôi luôn ghi khắc trong lòng, vinh dự này có cả phần xương máu đồng đội tôi.
Sau khi thất thủ ở mặt trận Tây Nguyên, quân địch lập phong tuyến chốt giữ ở đèo M’Drắk - Phượng Hoàng nhằm chặn quân ta tiến xuống miền duyên hải đánh chiếm Nha Trang, Cam Ranh, nơi có những căn cứ quân sự chiến lược của địch. Phương án tác chiến được cấp trên vạch ra là tấn công hiệp đồng binh chủng, vây chặt và tiêu diệt từng bộ phận của địch, tiến đến tiêu diệt toàn bộ. Sau 3 ngày (từ 29/3 đến rạng sang ngày 1/4/1975) các đơn vị đã phối hợp đập tan phong tuyến phòng thủ của địch ở đèo Phượng Hoàng, mở thông cánh cửa xuống vùng đồng bằng ven biển. Được sự tiếp ứng của Nhân dân, quân ta tiến vào giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa. Trung đoàn 95 của chúng tôi, một phần được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ quân cảng Cam Ranh, thành phố Nha Trang, còn lại Tiểu đoàn 1 phối hợp với lực lượng Hải Quân giải phóng Trường Sa. Thời đó, lính chúng tôi xác định mùa Xuân là “mùa ra trận”, mùa mở đầu cho các chiến dịch nối tiếp chiến dịch. Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bao năm chiến đấu gian khổ hy sinh, mà ngày toàn thắng “niềm vui như đến bất ngờ”. Biết bao đồng đội chúng tôi đã ngã xuống ngay trước giờ giải phóng. Ngày đó, nếu hy sinh trên người chúng tôi chỉ có duy nhất một bộ quần áo. Chúng tôi ra trận với một chiếc khăn mặt quấn trên đầu, một chiếc võng sau lưng cùng với mười quả đạn B40, thêm một quả cầm trong tay, một quả trong súng. Nếu hy sinh, đồng đội sẽ gỡ chiếc võng sau lưng khâm liệm. Lá cờ đỏ ngày hôm trước có thể còn treo cao trên vách, ngày hôm sau đã phủ thi hài người chiến sĩ. Đời lính chiến chúng tôi là thế, xả thân vì Tổ quốc, không phụ lời thề dưới cờ Đảng quang vinh. Ngay cả việc tôi còn sống cũng phần nhiều là do may mắn. Có lần đang chiến đấu, tôi thấy ướt trên mặt nhưng chỉ nghĩ là mồ hôi. Đến khi đồng đội hét lên “Đồng chí bị thương rồi!”. Tôi vuốt tay lên mặt thấy máu đỏ cả bàn tay. Nhưng hoá ra, viên đạn chỉ đi một đường rất nông trên trán...”.
Trong câu chuyện với tôi, ông Hà Văn Thanh nhắc rất nhiều về những cái tên của những người đồng đội đã hy sinh. Mang trong mình lời thề dưới lá cờ của Đảng quang vinh, người đảng viên vừa tròn hai mươi mốt tuổi năm nào nay đã là người cựu chiến binh cao tuổi. Ông chỉ mong mình có được sức khoẻ để hằng năm về thăm lại chiến trường năm xưa, thắp lên một nén hương và gọi tên những người đồng đội đã hy sinh:
“Xin các anh... hãy yên lòng nằm lại
Xứ sở cồng chiêng ru nín các anh linh
Nếu có linh thiêng hãy phù hộ cho đất nước được bình yên, cho quê hương ngày càng phát triển...
Sống là gửi ở nơi cõi tạm. Thác là về với các bậc tiền nhân
Cuộc đời vô thường, danh lợi phù vân, sắc sắc không không..."
Dưới lá cờ của Đảng quang vinh, những người lính đi qua chiến tranh đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế!
Ý kiến ()