Vững vàng ngay dưới mái trường
- Thời gian qua, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, ngành giáo dục tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho đội ngũ giáo viên và học sinh, nhằm góp phần phòng ngừa, nhận diện và phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Toàn tỉnh hiện có hơn 150.000 học sinh từ phổ thông đến chuyên nghiệp, cùng hơn 640 đơn vị trường học. Trong bối cảnh môi trường mạng phát triển nhanh và phức tạp, việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tiếp tục được ngành giáo dục tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là công tác giáo dục học sinh phòng ngừa, nhận diện và phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Theo đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý luận, kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc bằng nhiều hình thức phù hợp với từng cấp học; lồng ghép nội dung giáo dục an ninh mạng vào môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa; tổ chức các chuyên đề về ứng xử văn minh trên mạng, kỹ năng nhận diện và phản bác thông tin sai trái, qua đó từng bước hình thành thói quen sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm trong học sinh, sinh viên.
Đơn cử như tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, trong năm học 2024-2025, nhà trường đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng” cho hơn 600 học sinh toàn trường. Cô Nguyễn Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chương trình được tổ chức dưới hình thức tiểu phẩm và mô phỏng phiên tòa xét xử một vụ án lừa đảo qua mạng, giúp học sinh tiếp cận kiến thức pháp luật một cách trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ. Tại đây, các em còn được trực tiếp đối thoại, đặt câu hỏi và lắng nghe giải đáp từ các kiểm sát viên, qua đó nâng cao tư duy phản biện, bản lĩnh cá nhân và tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên môi trường số.
Cùng với công tác tuyên truyền, một số trường còn thành lập fanpage truyền thông nội bộ để cập nhật chủ trương, định hướng thông tin đến học sinh, phụ huynh, giáo viên. Điển hình như Câu lạc bộ Phát thanh và Truyền thông Trường THPT chuyên Chu Văn An. Câu lạc bộ có 60 thành viên, thường xuyên sàng lọc và lan tỏa thông tin tích cực trong cộng đồng mạng.
Một điểm sáng khác là Câu lạc bộ Lý luận trẻ Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn (thành lập từ năm 2019), mỗi năm học câu lạc bộ duy trì sinh hoạt định kỳ theo chuyên đề, tập trung nghiên cứu chủ trương của Đảng và công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng. Cô Hoàng Bích Diệp, Bí thư Đoàn trường chia sẻ: Thông qua sinh hoạt chuyên đề của câu lạc bộ, đoàn viên, sinh viên không chỉ nâng cao hiểu biết về nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn được rèn luyện kỹ năng phản biện, chủ động tham gia phát hiện, báo xấu và đấu tranh với những thông tin sai trái, độc hại trên mạng xã hội.
Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo duy trì hiệu quả hoạt động của nhóm cộng tác viên 35, thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận trên không gian mạng, kịp thời định hướng và xử lý thông tin xấu độc liên quan đến giáo dục.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng thành lập nhóm trực tuyến tuyên truyền, gồm cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn để chủ động phát hiện, báo xấu các tài khoản có nội dung phản động, đồng thời chia sẻ bài viết tích cực, lan tỏa thông tin chính thống, góp phần củng cố lòng tin trong đội ngũ giáo viên và học sinh. Cùng đó, với số lượng hơn 16.000 cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành, hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều phối hợp tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên toàn tỉnh tham gia bồi dưỡng chính trị hè, cập nhật đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, trong đó nhấn mạnh nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ đó, giúp giáo viên củng cố lập trường tư tưởng, chủ động truyền đạt những nội dung phù hợp trong dạy học, góp phần định hướng học sinh về nhận thức chính trị, đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Thực tế triển khai cho thấy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong ngành giáo dục tỉnh không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến mà đã từng bước đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành vi của học sinh. Các em học sinh đang dần hình thành thói quen chọn lọc thông tin, biết phản bác cái sai, bảo vệ cái đúng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng ngay từ trong nhà trường.
Thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục lý luận chính trị trong trường học; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để định hướng hành vi học sinh trên môi trường mạng; phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức đoàn, hội trong tổ chức các hoạt động sáng tạo, phù hợp với đặc điểm vùng miền. Qua đó, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, hình thành tư duy phản biện và khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong mỗi học sinh.

Ý kiến ()