Chú trọng phát triển thương hiệu rau an toàn
LSO- Trước nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn cho sức khỏe đang được người dân quan tâm; đồng thời nhằm góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm rau an toàn (RAT), nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng sản xuất và phát triển thương hiệu RAT.
Ông Hoàng Văn Dong, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Những năm gần đây, HTX chú trọng sản xuất RAT theo hướng VietGap. Từ khi sản xuất RAT, xã viên thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất. Xã viên kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kiến thức khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép, kiểm soát thời gian phun thuốc trước khi thu hoạch, vừa hạn chế được sâu bệnh phát sinh gây hại, vừa nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm . Ví dụ để phòng trừ sâu bệnh, trước khi trồng rau, đất phải được xử lý sạch không còn sâu, bọ. Luân canh cây trồng trên một diện tích, năm nay trồng rau, sang năm trồng ớt. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình mà HTX Nà Chuông trở thành đơn vị có tiếng trong tỉnh về sản xuất RAT. HTX hiện có 44 xã viên, hằng năm sản xuất các loại RAT với quy mô trên 5 ha.
![]() |
Nông dân thôn Nà Chuông, xã Mai Pha bán rau an toàn tại thành phố Lạng Sơn
Ngoài Nà Chuông, vụ đông năm 2016, 4 ha RAT theo tiêu chuẩn VietGap đang được sản xuất tại xã Tân Liên và Gia Cát huyện Cao Lộc. Ông Thi Văn Huấn, Trưởng thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát cho biết: Thôn có 16 hộ tham gia mô hình sản xuất RAT với quy mô 2 ha. Ngoài mô hình còn có thêm 20 hộ trồng RAT với diện tích khoảng 7 ha. Không chỉ áp dụng đúng quy trình sản xuất, chúng tôi còn chú trọng quảng bá và sử dụng bao bì, tem, nhãn sản phẩm để người tiêu dùng dễ nhận biết và sử dụng.
Không chỉ có nông dân mà phát triển thương hiệu RAT được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt chú trọng bằng việc chỉ đạo, định hướng sản xuất, tổ chức các chương trình xúc tiến và quảng bá sản phẩm. Cụ thể UBND huyện Cao Lộc triển khai mô hình trồng RAT gắn với xây dựng thương hiệu nhãn mác sản phẩm vùng trồng RAT Tân Liên – Gia Cát trên quy mô 4 ha với 46 hộ tham gia; thành phố Lạng Sơn đã 3 lần tổ chức hội thi RAT và một số chương trình xúc tiến, xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm RAT đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh…Các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ về chuyên môn, kinh phí, giám sát chất lượng RAT. Ông Bế Thanh Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Năm 2016, huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng RAT cho 100 hộ; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất RAT cho các hộ tham gia dự án; hỗ trợ 25 kg giống rau các loại, gần 7,3 tấn phân đạm, cấp gần 900 kg túi đựng rau và 20.000 tem vỡ nhãn hiệu RAT.
Nhờ chú trọng phát triển thương hiệu RAT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số điểm sản xuất RAT gồm: xã Tân Liên và Gia Cát (huyện Cao Lộc); xã Mai Pha, Quảng Lạc, Hoàng Đồng và phường Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn). Trong đó, vùng trồng RAT thôn Nà Chuông, xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn); thôn Nà Hán, xã Tân Liên và thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát (huyện Cao Lộc) là những điểm trồng RAT trọng điểm đã được người tiêu dùng biết đến. Các loại RAT được trồng nhiều là: cải làn, cải ngồng, su hào, bắp cải, cải xanh, cà chua… với diện tích trồng RAT ngày càng tăng, năm 2016 là gần 100 ha, tăng hơn 50 ha so với năm 2014. Sản phẩm này sẽ tiếp tục được quan tâm phát triển nhiều hơn ở Lạng Sơn, bởi tỉnh đã và đang tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực phát triển cho sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất RAT.
HÀ MY

Ý kiến ()