Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản
(LSO) – Thời gian qua, phong trào nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển, diện tích nuôi trồng ngày càng mở rộng.
Với địa hình có dòng sông Bắc Giang chảy qua, nhận thấy điều kiện cho phát triển chăn nuôi cá lồng, năm 2018, gia đình anh Nông Văn Phúc, thôn Vằng Phe, xã Hồng Phong (Bình Gia) đã đầu tư làm lồng để nuôi cá. Được huyện hỗ trợ 4 triệu đồng, gia đình anh Phúc thêm vốn để làm 1 lồng cá trị giá 6 triệu đồng. Để nuôi cá hiệu quả, anh Phúc tham quan mô hình trên địa bàn các huyện: Văn Quan, Bắc Sơn. Theo nhận định của anh Phúc, trên sông Bắc Giang, đoạn qua xã Hồng Phong có điều kiện nuôi tốt hơn cả ở khu thị trấn Văn Quan, bởi lòng sông rộng, ít gồ ghề, nguồn nước dồi dào. Anh Phúc cho biết: Hiện nay, do vốn ít cùng với kinh nghiệm chưa nhiều nên tôi thí điểm trước 1 lồng để nuôi, sau đó hiệu quả sẽ mở rộng phát triển hơn. Hiện nay có 9 hộ khác trên địa bàn thôn cũng đầu tư lồng để nuôi cá, và đang dự kiến thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng trong thời gian tới.
Người dân nuôi cá lồng tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan
Được biết, đây là mô hình nuôi cá lồng đầu tiên trên địa bàn huyện Bình Gia. Để phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện Bình Gia hỗ trợ 4 triệu đồng/lồng cho 10 hộ nuôi (10 lồng) tại xã Hồng Phong. Theo ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sau khi đánh giá kết quả, phòng sẽ tham mưu cho huyện để nhân rộng sang các xã có điều kiện phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Tại huyện Văn Quan, để phát triển nuôi trồng thủy sản, người dân tập trung nuôi giống cá có năng suất, giá trị cao. Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi cá lồng Tân Minh, thị trấn Văn Quan cho biết: HTX được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015, khi mới thành lập HTX có 20 lồng cá, đến nay phát triển lên 40 lồng. Đặc biệt, để nuôi cá cho giá trị kinh tế cao, từ năm 2017 đến nay, HTX chủ yếu nuôi cá trắm cỏ. Bởi từ năm 2015 đến năm 2016, HTX nuôi cá các loại gồm: trắm, chép, trôi, mè, qua quá trình nuôi, cá trắm cỏ mang lại giá trị cao nhất. Không chỉ vậy, HTX tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá do cơ quan chức năng tổ chức, từ đó áp dụng kỹ thuật vào nuôi trồng, chăm sóc, đánh bắt…nâng cao thu nhập cho xã viên. Phong trào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Văn Quan ngày càng phát triển. Hiện nay, toàn huyện có 233 lồng cá, tăng 31 lồng so với cùng kỳ năm 2017.
Không chỉ hai huyện trên, các huyện: Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình… phong trào nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển, từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 1.300 ha, tăng 4,7% kế hoạch, sản lượng đạt 1.100 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác tự nhiên đạt 250 tấn, khai thác từ nuôi trồng đạt 850 tấn; số lượng lồng cá đạt 409 lồng, vượt 8% kế hoạch, tăng gần 90 lồng so với năm 2017. Cùng với đó, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong tháng 10 tới, Trung tâm Thủy sản tỉnh thả 1.400 kg cá các loại tại đập thủy điện Bắc Khê, xã Kim Đồng (Tràng Định); hồ suối con, xã Hồ Sơn (Hữu Lũng); thả trên sông Kỳ Cùng, đoạn thuộc xã Khuất xá (Lộc Bình).
Ông Dương Doãn Doanh, Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản cho biết: Phong trào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, mở rộng, cho hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Để đạt hiệu quả cao, trung tâm phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ cá giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh;… Từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm mở 4 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên cá; cho sinh sản và ương nuôi được gần 1,4 triệu con cá giống cung ứng cho người dân. Qua đó tạo điều kiện mở rộng diện tích và nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
ĐỖ HOẠT

Ý kiến ()