Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản
LSO-Tận dụng diện tích mặt nước từ ao, hồ, sông để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Văn Quan đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, từng bước giúp người dân thoát nghèo và tập trung nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.
![]() |
Người dân khu Tân Minh, thị trấn Văn Quan nuôi cá lồng |
Hợp tác xã Cá lồng Tân Minh, thị trấn Văn Quan được thành lập từ 2014, với 20 xã viên. Hiện mỗi xã viên nuôi vài chục lồng cá trở lên, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ. Mỗi lồng được nuôi từ 300 đến 400 con. Với giá bán từ 110 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi lồng cá cho thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Qua đó, nâng cao đời sống người dân.
Ông Vi Văn Đạo, Giám đốc Hợp tác xã Cá lồng Tân Minh cho biết: Nuôi cá lồng đòi hỏi phải chăm sóc kỹ lưỡng, từ khâu lựa chọn con giống, đến đảm bảo về môi trường nước… Do vậy, khi mua cá giống về, phải tiêm phòng bệnh cho cá ngay, việc này rất quan trọng, bởi thực tế nếu tiêm phòng thì số lượng cá bị bệnh hầu như không xảy ra và ngược lại. Theo ông Đạo, hiện bà con nuôi cá lồng đã chủ động đầu tư hơn, 3 năm trước nhiều lồng nuôi còn đan bằng tre, đến nay bà con xã viên đã chuyển sang lồng sắt và có hệ thống phao nổi, tránh bị ngập khi mùa mưa bão.
Phong trào nuôi cá lồng trên địa bàn thị trấn Văn Quan ngày càng phát triển, năm 2012 mới có 32 lồng cá, đến nay đã có 198 lồng cá, với 97 hộ nuôi, nhiều hộ mạnh dạn chăn nuôi trên 10 lồng cá, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Như hộ ông Lý Văn Quắn, khu Đức Hinh 1; Triệu Văn Minh, khu Tân Minh… Bà Triệu Thị Nga, Chủ tịch UBND thị trấn Văn Quan cho biết: Để chăn nuôi cá lồng đạt hiệu quả, thị trấn đã xây dựng đề án phát triển và khôi phục cá lồng trên địa bàn giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020; từ 2014 đến nay, thị trấn phối hợp và được Trung tâm Thủy sản hỗ trợ 100% số cá giống và 50% số thức ăn cho các hộ nuôi. Năm 2017, thị trấn có 14 hộ được trung tâm hỗ trợ cá giống và thức ăn. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cá cho các hộ; tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn của thị trấn, tính riêng từ đầu 2017 đến nay, có gần 30 hộ nuôi cá được vay vốn, mỗi hỗ được vay từ 25 đến 30 triệu đồng.
Việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Văn Quan chủ yếu tập trung ở thị trấn Văn Quan, ngoài ra còn có ở một số xã khác như: Tú Xuyên, Xuân Mai, Tân Đoàn… Hằng năm, huyện hỗ trợ kinh phí khoảng 30 triệu đồng để phối hợp với ngành chuyên môn mở lớp tập huấn về nuôi cá. Phối hợp với Trung tâm Thủy sản hỗ trợ cá giống, thức ăn cho người nuôi cá. Ngoài ra, tạo điều kiện cho người nuôi cá được vay vốn ngân hàng thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn. Từ đó, việc nuôi trồng thủy sản của huyện ngày càng phát triển. Đến nay, diện tích nuôi trồng trên địa bàn huyện đạt 95 ha (năm 2015 đạt 84 ha); sản lượng năm 2016 đạt 125 tấn, tăng 3 tấn so với năm 2015. Thời gian tới, huyện phấn đấu diện tích nuôi trồng đạt 100 ha, tăng số lồng cá nuôi lên đến khoảng 300 lồng cá.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chức năng tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cá giống, thức ăn cho hộ nuôi cá. Đồng thời xây dựng thương hiệu cá lồng Văn Quan để tạo đầu ra ổn định cho người nuôi trồng.
ĐỖ HOẠT

Ý kiến ()