Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri
Theo Tân Hoa xã, ngày 13-4 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri đến thăm Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm đầu tiên của ông G.Ke-ri tới Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2 vừa qua sẽ góp phần duy trì động lực cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Theo Tân Hoa xã, ngày 13-4 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri đến thăm Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm đầu tiên của ông G.Ke-ri tới Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2 vừa qua sẽ góp phần duy trì động lực cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri nêu rõ, hiện là thời điểm quan trọng để giải quyết hàng loạt vấn đề đầy khó khăn và thách thức. Trong đó, có tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, những thách thức liên quan chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran, tình hình Xy-ri và Trung Ðông, cũng như vấn đề giúp các nền kinh tế trên thế giới vượt qua giai đoạn suy thoái hiện nay… Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri, thảo luận về quan hệ song phương và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Trung Quốc là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến thăm châu Á bốn ngày của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri. Hôm nay (14-4), ông G.Ke-ri rời Trung Quốc, bắt đầu thăm Nhật Bản.
* Theo Ðài KBS, phát biểu ý kiến trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Y-un Biêng Xơ ở Thủ đô Xơ-un ngày 12-4, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri tuyên bố, Mỹ mong muốn tiến hành đối thoại với CHDCND Triều Tiên, thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông G.Ke-ri tái khẳng định, Triều Tiên sẽ không được coi là một quốc gia có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh, điều kiện để tiến hành đối thoại là Triều Tiên phải tuân thủ các cam kết với cộng đồng quốc tế. Ông G.Ke-ri cũng hối thúc Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri đề cập vấn đề đối thoại với Triều Tiên phản ánh tầm nhìn hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hi. Theo đó, bà Pắc Cưn Hi khẳng định, hai miền Triều Tiên có thể cùng tồn tại trong hòa bình và thịnh vượng.
* Cùng ngày, Mỹ và Hàn Quốc đã đề xuất nối lại thỏa thuận viện trợ năm 2005 (hiện không còn hiệu lực) với Triều Tiên, theo đó tạo điều kiện để Bình Nhưỡng thực thi “những bước đi có ý nghĩa” nhằm giải trừ hạt nhân. Trong tuyên bố chung đưa ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri kết thúc chuyến thăm Xơ-un, hai nước đã nhất trí đặt trọng tâm vào biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
* Ngày 12-4, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Thụy Sĩ tổ chức cuộc đàm phán sáu bên – gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên – trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Nhandan

Ý kiến ()