Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật
Trong hai ngày 27 và 28-7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (LPL) và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành LPL trong sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2015; Báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014. Đồng thời, Chính phủ cũng nghe thảo luận chín dự án luật và pháp lệnh.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra nhiều hạn chế liên quan công tác xây dựng pháp luật, trong đó có việc phải điều chỉnh Chương trình; xin lùi một số dự án luật; trong số 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực đến nay mới chỉ ban hành được 53 văn bản, số lượng văn bản quy định chi tiết nợ đọng còn rất lớn… Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong sáu tháng cuối năm, trong đó có việc trình Chính phủ xem xét, thông qua ba dự án LPL để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là dự án Luật về hội; dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường. Tiếp tục phối hợp các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ chín và chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 tới đây; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết. Song song việc bảo đảm tiến độ xây dựng các LPL, các văn bản quy định chi tiết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần đặc biệt chú ý công tác phối hợp, quan tâm tới chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của các dự án LPL, các văn bản quy định chi tiết; yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt khâu thẩm định, thẩm tra các dự án LPL cũng như các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành LPL.
Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận chín dự án LPL gồm: dự án Luật về hội; dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dự án Luật Tiếp cận thông tin; dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); dự án Luật Ban hành quyết định hành chính; dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); dự án Luật Quy hoạch; dự án Luật Đấu giá tài sản; dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Thảo luận về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn một số nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thẩm quyền ban hành biểu thuế, khung thuế suất, những quy định về ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Về Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, việc xây dựng dự án luật này là xây dựng khuôn khổ pháp lý chung cho việc ban hành quyết định hành chính thông qua việc quy định các nguyên tắc, trình tự, thủ tục cơ bản của việc ban hành quyết định hành chính nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của quyết định hành chính, tính minh bạch, công khai, khách quan của quá trình ban hành quyết định hành chính và tính chuyên nghiệp của nền hành chính hiện đại.
Đối với dự án Luật Quy hoạch, các thành viên Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ về sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch; có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, tránh tình trạng sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch chỉ dừng lại ở việc gửi văn bản xin ý kiến, sự phối hợp nặng về hình thức.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng dự án Luật này, cần phải có báo cáo công phu, đánh giá từng lĩnh vực, nhóm quy hoạch, những gì đã làm được, những gì còn hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế… để đề ra những giải pháp khắc phục. Đồng thời, cũng hết sức quan tâm việc đánh giá, xác định rõ các nhóm quy hoạch, định nghĩa về quy hoạch, tránh sự nhầm lẫn giữa quy hoạch và kế hoạch; xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của quy hoạch; tính pháp lý, vai trò của các cấp quy hoạch; trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch…
Theo Bộ Tư pháp, trong sáu tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành sáu nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành năm quyết định phân công và hai văn bản để chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chương trình xây dựng LPL; triển khai thi hành LPL và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 178 văn bản, gồm 155 văn bản nợ đọng quy định chi tiết 34 LPL đã có hiệu lực và 23 văn bản quy định chi tiết bốn luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016. Đối với 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 53/155 văn bản đạt 34,19%; còn 102 văn bản chưa được ban hành, chiếm 65,81%.
Theo Nhandan.org.vn

Ý kiến ()