Chiến dịch biên giới năm 1950 - những khoảnh khắc đáng nhớ
(LSO) – Từ năm 1993 đến năm 1995, chúng tôi được vinh dự gặp một số tướng lĩnh trong quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng biên giới (Việt-Trung) năm 1950 để có thêm tư liệu thực tiễn phục vụ cho việc biên tập cuốn sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn”. Các đồng chí lãnh đạo quân đội đều nhiệt tình, chu đáo cung cấp nhiều ý kiến rất mới và bổ ích cho công tác làm sách – trong đó, nổi bật những khoảnh khắc đáng nhớ và xúc động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới năm 1950 Ảnh: TƯ LIỆU
Mở đầu chiến dịch là cuộc chiến đấu ác liệt đột phá đánh vào Đồn Đông Khê ngày và đêm 17/9 đến sáng 18/9/1950. Cứ điểm Đông Khê nằm ở vị trí hẹp, then chốt trên đường 4A đã bị bộ đội ta tiêu diệt. Chiến thắng mở màn có ý nghĩa rất lớn cho cục diện chiến trường, khẳng định chủ trương đúng đắn của Bác Hồ cùng bộ chỉ huy chiến dịch là không đánh trận mở màn vào sào huyệt mạnh của quân Pháp ở thị xã Cao Bằng. Khi Đông Khê bị thất thủ, quân địch của binh đoàn do tướng năm sao Sác – Tông chỉ huy buộc phải rút chạy khỏi Cao Bằng. Đúng như phán đoán, binh đoàn Sác – Tông rút khỏi Cao Bằng về cách Đông Khê 24 km, chúng bỏ lại các loại xe pháo hạng nặng, xua quân chạy tán loạn vào khu rừng hiểm trở ven đường 4A. Trong khi binh đoàn La-Pa-Giơ từ Lạng Sơn lên định chiếm lại cứ điểm Đông Khê với ý đồ hợp với binh đoàn Sác-Tông tại km 22, cách Đông Khê 3 km.
Bộ chỉ huy quân đội ta vận dụng sáng tạo chiến thuật quân sự, tạo ra cơ hội cho những khoảnh khắc đột phá liên tiếp giành chiến thắng. Lợi dụng địch không quen đường xa lạ tại khu rừng hiểm trở vùng Đông Khê, Lũng Phầy – đã chỉ huy các đơn vị đánh địch “ngoài công sự” và kiên trì chờ đợi cánh quân của binh đoàn La-Pa-Giơ từ Lạng Sơn lên, đồng thời triển khai kế hoạch tác chiến, tập trung lực lượng vừa tiêu diệt binh đoàn Sác-Tông, vừa thực hiện lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Không được bắn chết, phải bắt được 2 tên quan năm Sác-Tông và Lơ-Pa-Giơ…”.
Đêm 5/10/1950, bộ đội ta gặp địch, triển khai phương án tác chiến của bộ chỉ huy, vừa tiến hành bao vây chia cắt, vừa tấn công, vừa gọi hàng, quyết tâm tiêu diệt và bắt sống toàn bộ hai binh đoàn thiện chiến của địch, không cho chúng nối lại với nhau. Với sự chỉ huy thông minh, sáng tạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch và tinh thần chiến đấu kiên cường của bộ đội ta, được sự phối hợp, giúp đỡ tận tình của nhân dân các dân tộc vùng biên giới Việt – Trung, cùng nhân dân Trung Quốc, 18 giờ ngày 7/10/1950, bộ đội ta đã bắt được Sác-Tông ở địa bàn xã Chí Minh (huyện Tràng Định); 16 giờ ngày 8/10/1950, bộ đội ta bắt được tên quan năm La-Pa-Giơ cùng cơ quan tham mưu của chúng ở Nà Cao (xã Chí Minh, huyện Tràng Định giáp biên giới xã Trọng Con, tỉnh Cao Bằng).
Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: Mấy ngày qua, tàn quân của địch chạy tán loạn ẩn náu trong các khu rừng, khe suối, thiếu lương ăn, nước uống, chúng đói khát chỉ cầu mong đầu hàng được hưởng chính sách nhân đạo khoan hồng sớm về với gia đình, vợ con. Trong các ngày 9 và 10/10/1950 sắp kết thúc chiến dịch, các chiến sĩ ta ở một số đơn vị, kể cả anh nuôi, đầu bếp, hậu cần, đã nấu hàng ngàn cơm nắm nhỏ, phân chia nhau vào các khu rừng nghi có địch đang lẩn trốn, giơ nắm cơm gọi hàng (bằng tiếng Pháp, đại ý: Hãy nộp vũ khí đầu hàng, lấy cơm ăn, sống về với gia đình, vợ con). Cách làm này diễn ra ở thời khắc quyết định chiến thắng – bộ đội ta đã gọi hàng, đưa tổng số địch bị bắt ở chiến dịch lên tới 5.000 tù binh. Ngày 10/10/1950, quân địch bỏ Thất Khê theo đường 4 về Lạng Sơn, trên đường tháo chạy đã bị các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương phối hợp với đơn vị quân đội chủ lực của ta liên tiếp chặn đánh, tiêu diệt. Ngày 17/10/1950, địch rút chạy sang Tiên Yên (Quảng Ninh) theo đường 4B – khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ, niềm vui và hạnh phúc đã đến: Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng. Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Chính ủy Trung đoàn 174 được Bác Hồ giao nhiệm vụ giúp cấp ủy, chính quyền Lạng Sơn tiếp quản thị xã Lạng Sơn chu đáo, an toàn; lãnh đạo trung đoàn cùng chiến sĩ đã cấp tốc hành quân về thị xã cùng UBND tổ chức thành công cuộc mít tinh mừng chiến thắng tại mảnh đất rộng dưới chân núi Phai Vệ, nay là sân vận động Đông Kinh. Trong không khí tưng bừng, xúc động, anh hùng La Văn Cầu được chiến sĩ ôm hôn và công kênh vẫy chào nhân dân hòa cùng tiếng hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm!
Những khoảnh khắc lịch sử hào hùng đáng nhớ đó còn sống mãi với trang sử vẻ vang của quê hương, đất nước ta.
Đinh Ích Toàn (TP Lạng Sơn)

Ý kiến ()