Biến di sản thành tài sản
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn là "chìa khóa" cho phát triển du lịch bền vững. Với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, những năm qua, ngành du lịch tỉnh đã và đang nỗ lực biến những giá trị văn hoá truyền thống này thành tài nguyên quý giá. Qua đó, không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch Xứ Lạng.

Lạng Sơn, với lịch sử văn hóa lâu đời và sự hội tụ của 7 dân tộc chính Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông và các dân tộc ít người khác. Cộng đồng các dân tộc sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá.
Giàu tiềm năng
Từ 335 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, đến 280 lễ hội và các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như then, sli, lượn, múa sư tử và các sản phẩm ẩm thực địa phương như: Hồi, quế, na, lợn quay, khau nhục, rượu Mẫu Sơn… tất cả đã trở thành nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch bền vững.
Để khai thác nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Với mục tiêu đưa văn hóa trở thành điểm nhấn trong phát triển sản phẩm du lịch, thời gian qua, ngành đã và đang xây dựng các giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh bảo tồn, tôn tạo di tích, phát triển du lịch làng nghề truyền thống, xây dựng các câu lạc bộ dân ca, chương trình biểu diễn nghệ thuật, và đưa các điểm du lịch tâm linh vào các tour du lịch; gắn kết với các di sản đã được xếp hạng quốc gia, khuyến khích và hỗ trợ các nghệ nhân trong việc gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa. Mục tiêu là để làm cho giá trị của các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở các nguồn lực đầu tư cho văn hóa tiếp tục tham mưu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án, tiêu biểu như: Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030; Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030... và các chương trình, đề án, dự án khác.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, đã có 7 di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Sở VHTT&DL cũng đã trang bị bảng quét mã QR tại 30 điểm di tích nổi tiếng và các điểm du lịch. Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh cũng chú trọng tới công tác bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể, từ năm 2022 đến nay, các cấp ngành liên quan đã tổ chức trên 30 lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc cho người dân thuộc nhiều lứa tuổi tại cơ sở, đặc biệt là tại các điểm du lịch. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 đội, câu lạc bộ văn hóa truyền thống với hơn 2.000 hội viên sinh hoạt. Các hội viên này đã trở thành những hạt nhân nòng cốt phát huy tốt giá trị các làn điệu dân ca địa phương, để phục vụ du khách.
Hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo

Việc xác định và xây dựng sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa đã tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn cho từng địa phương. Tiêu biểu như tại xã Hữu Liên đã khai thác di sản văn hoá của bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao… để phát triển thành các sản phẩm du lịch hiệu quả như: nhà sàn truyền thống được xây dựng thành homestay phục vụ du khách; hoạt động trình diễn các loại hình dân ca hát then, sli, lượn; nghề thêu dệt, cho thuê trang phục truyền thống; trải nghiệm tắm thuốc người Dao; trải nghiệm làm bánh truyền thống… Nhờ đó, du lịch Hữu Liên đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách. Đặc biệt đầu năm 2025, xã Hữu Liên vinh dự được nhận 2 giải thưởng du lịch ASEAN 2025 gồm: giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN dành cho điểm du lịch cộng đồng Hữu Liên và giải thưởng Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - Homestay ASEAN cho Cụm Homestay trên địa bàn xã.
Ông Khổng Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên cho biết: Xác định văn hóa là tài nguyên quý và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, những năm qua, chúng tôi đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hỗ trợ kinh phí phát triển mô hình tắm thuốc nam truyền thống của người Dao; tổ chức lớp hướng dẫn kỹ năng biểu diễn văn nghệ truyền thống cho người dân, thành lập 4 câu lạc bộ, đội dân ca phục vụ du khách…
Điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Hữu Liên cùng với 54 điểm du lịch khác được UBND tỉnh công nhận đã tạo nên một bức tranh đa dạng về du lịch. Các điểm đến này tập trung vào các loại hình du lịch tâm linh, cộng đồng và danh thắng… tất cả đều gắn liền với những nét văn hóa đặc trưng của Xứ Lạng như: ẩm thực địa phương, hát dân ca truyền thống và múa sư tử mèo, góp phần thu hút đông đảo du khách. Một số điểm tiêu biểu có thể kể đến như: điểm du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Bắc Sơn), quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc (phường Tam Thanh) và điểm du lịch Phố đi bộ Kỳ Lừa (phường Kỳ Lừa).
Anh Nguyễn Khắc Minh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với hình ảnh người dân trong trang phục truyền thống biểu diễn những điệu hát then đàn tính ở Phố đi bộ Kỳ Lừa. Ở đây tôi cũng được thưởng thức bánh ngải, bánh dày gấc và vịt quay tại các sạp hàng ăn. Phố đi bộ Kỳ Lừa giúp tôi hiểu hơn về những nét văn hóa độc đáo của Xứ Lạng”.
Cùng với việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch, hằng năm, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hoá du lịch, lễ hội như: Lễ hội Hoa Đào, hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, hội Háng Pỉnh… Song song với, hằng năm các đơn vị liên quan tham gia trên 20 sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch. Hầu hết sản phẩm quảng bá đều gắn với các di sản văn hoá độc đáo. Tiêu biểu tại Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” được tổ chức tại Huế cuối tháng 4/2025, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức gian trưng bày giới thiệu không gian di sản văn hóa với các hình ảnh di tích lịch sử, danh thắng, lễ hội truyền thống, nghi lễ tiêu biểu, hiện vật nghi lễ then, bộ đồ múa sư tử, sản phẩm dệt thổ cẩm, dụng cụ dệt vải của người Nùng... Qua đó, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Thông qua những hoạt động thiết thực đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước tới Lạng Sơn. Giai đoạn 2014-2024, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân tăng 5,93%; doanh thu tăng trên 12%. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng lượt khách du lịch đến Lạng Sơn ước đạt 3,1 triệu lượt (tăng 4,7 % so với cùng kỳ năm 2024). Doanh thu du lịch ước đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2024).
Kết quả trên là minh chứng cho thấy tiềm năng to lớn và hiệu quả rõ rệt của việc đầu tư và khai thác di sản văn hóa một cách bền vững. Đây không chỉ là nguồn lực quý báu để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, mà còn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ý kiến ()