Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/5/2025 (1)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/5/2025 (1).
Triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Công điện số 67/CĐ-TTg ngày 19/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Công điện nêu rõ: Ngày 17 tháng 5 năm 2025, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 447/KH-CP về việc xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Để bảo đảm tiến độ và chất lượng triển khai, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 447/KH-CP, trong đó:
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các mục đích, yêu cầu, nguyên tắc trong việc rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền và phân định nhiệm vụ quyền hạn của Chính quyền địa phương khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
2. Rà soát tổng thể các luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công để đề xuất phương án phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương theo mô hình 02 cấp; thời hạn hoàn thành: ngày 19 tháng 5 năm 2025.
3. Xây dựng các dự thảo Nghị định để thực hiện phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; thời hạn hoàn thành: ngày 19 tháng 5 năm 2025. Lấy ý kiến các địa phương và hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 25 tháng 5 năm 2025.
4. Rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trên lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp; thời hạn hoàn thành: ngày 23 tháng 5 năm 2025.
5. Chuẩn bị báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và các tài liệu, số liệu liên quan đến nội dung rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (trong đó bao gồm các dự thảo Nghị định và phụ lục kèm theo), báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trước ngày 20 tháng 5 năm 2025 để phục vụ buổi làm việc của Phó Thủ tướng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 243/TB-VPCP ngày 19/5/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình
Thông báo nêu: Thái Bình là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đang chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hiện đại. Thái Bình có nhiều tiềm năng để phát triển bứt phá, có vị trí chiến lược quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có lực lượng lao động dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi với đường bờ biển dài trên 50 km, tiềm năng lấn biển lớn và có khả năng khai thác hiệu quả quỹ đất.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. GRDP quý I năm 2025 tăng 9,04%, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020-2024 và cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm ước đạt 8,36%/năm, quy mô GRDP năm 2025 đạt 151,2 nghìn tỷ, gấp 1,7 lần năm 2020. Nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện nông thôn mới tiếp tục là điểm sáng; công nghiệp phát triển nhanh với động lực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo. Công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện có bước phát triển; công nghiệp năng lượng giải quyết được điểm nghẽn, đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện (với tổng công suất 1.800 MW) và đang tích cực triển khai Dự án điện khí LNG (công suất 1.500 MW). Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 đạt 67,2% dự toán, tăng 60,8% so với cùng kỳ.
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng ước đạt 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân cả nước. Các dự án hạ tầng giao thông chiến lược tháo gỡ được điểm nghẽn, tiến hành khởi công như Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình, Dự án tuyến đường bộ ven biển.
An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, lao động… được chú trọng. Tỉnh đã quan tâm, tổ chức triển khai phong trào "Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trong năm 2025"; theo đó phấn đấu hoàn thành trước 20 tháng 6 năm 2025.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: kinh tế - xã hội chưa có sự phát triển đột phá và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, với bề dày lịch sử văn hóa của Tỉnh; ngành nông nghiệp chuyển đổi chưa nhanh, công nghiệp đa số vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại, dịch vụ còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Thái Bình tập trung đầu tư cho hạ tầng chiến lược
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Thái Bình cần chủ động, quyết liệt triển khai Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Lưu ý xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã, bảo đảm thực hiện thông suốt, hiệu quả dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến không phụ thuộc và địa giới hành chính, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Kích hoạt mọi nguồn lực, tập trung thúc đẩy tăng trưởng, quyết tâm tăng trưởng hai con số trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Phát triển hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, khai thác tốt những mặt hàng có thế mạnh, nhất là đặc sản địa phương; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì, sản phẩm; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Bộ Chính trị gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Tập trung đầu tư cho hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung, thông qua thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh kết nối với Trung Quốc. Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình nghiên cứu các phương án lấn biển để phát triển công nghiệp, xây dựng sân bay, cảng biển…. Đối với các vùng đất nông nghiệp có sẵn thì tập trung chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Thái Bình tập trung thúc đẩy tăng trưởng
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình tập trung thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm truyền thống và chuỗi cung ứng.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, chi phí thủ tục hành chính. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, các dự án, công trình trọng điểm đang triển khai trên địa bàn. Phấn đấu hoàn thành Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình trong năm 2026; hoàn thành Dự án Bệnh viên đa khoa 1.500 giường trong 02 năm từ khi khởi công.
Đồng thời, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh điểm nóng, tình trạng khiếu kiện đông người.
Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Quyết tâm về đích sớm trong phong trào "Cả nước xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025". Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.
Nghiên cứu thông tin chuyển 1.034 người dân về TP Đà Nẵng hoặc Quảng Ngãi sau sáp nhập
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 4362/VPCP-TCCV truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình xử lý thông tin báo chí phản ánh về vấn đề chuyển 1.034 người dân về thành phố Đà Nẵng hoặc tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập.

Trước đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung: Theo UBND tỉnh Kon Tum, trong nhiều năm qua, có 187 hộ dân với 1.034 nhân khẩu thuộc thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã đến sinh sống và canh tác ổn định tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất giữa các ngành chức năng và chính quyền hai tỉnh về phương án giải quyết việc chồng lấn địa giới hành chính nên các địa phương không thể triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực này.
Sau khi có đề án sáp nhập các tỉnh (Quảng Nam sáp nhập với Đà Nẵng, Kon Tum sáp nhập với Quảng Ngãi), UBND tỉnh Kon Tum đề xuất phương án chuyển 187 hộ với 1.034 nhân khẩu trên về sinh sống và đăng ký cư trú tại TP. Đà Nẵng (sau sáp nhập); hoặc chuyển số người dân này về nhập khẩu tại tỉnh Quảng Ngãi (sau sáp nhập).
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh, kịp thời đề xuất Chính phủ xem xét trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tạo điều kiện để nữ trí thức tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ
Tại Văn bản 4324/VPCP-QHĐP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp để Hội Nữ trí thức Việt Nam, các nữ khoa học Việt Nam tham gia nghiên cứu, đóng góp cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ động đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ theo quy định pháp luật và các biện pháp hỗ trợ khác theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi Hội Nữ trí thức Việt Nam nghiên cứu, vận động nguồn lực để sớm thành lập Quỹ hỗ trợ các nữ khoa học trẻ bảo đảm có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định tại Điều 10, Điều 15, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Ý kiến ()