Châu Âu tăng cường năng lực phòng không
10 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cùng ký một bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI).
Reuters ngày 12-10 đưa tin, 10 nước đồng minh NATO gồm: Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Đức, Hungary, Latvia, Litva, Hà Lan và Slovenia đã ký bản ghi nhớ nói trên tại thủ đô Brussels (Bỉ).
“ESSI, dưới sự dẫn dắt của Đức, cho thấy tầm quan trọng của việc các nước đồng minh tăng cường nỗ lực đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với NATO, đồng thời bảo đảm khả năng hiệp đồng. Sáng kiến này giúp biến các cam kết về chi tiêu quốc phòng của các nước đồng minh thành những năng lực hiện hữu phục vụ cho hoạt động phòng thủ tập thể của chúng ta. Sáng kiến thể hiện cam kết rõ ràng của các nước đồng minh châu Âu trong NATO về việc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng”, Phó tổng thư ký NATO Mircea Geoană nêu rõ.
![]() |
Các đại biểu tại lễ ký bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI). Ảnh: NATO |
ESSI được Đức khởi xướng vào năm 2022. Tờ DW dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ESSI sẽ “gia tăng an toàn cho toàn bộ châu Âu”. Dưới sự dẫn dắt của Đức, ESSI nhằm mục đích tăng cường năng lực phòng không của châu Âu thông qua việc các quốc gia châu Âu mua sắm chung các hệ thống phòng không như Patriot của Mỹ, IRIS-T của Đức hay Arrow 3 của Israel.
Những tổ hợp này sẽ được tích hợp cùng hệ thống phòng không hiện nay của NATO, nâng cao đáng kể khả năng bảo vệ liên minh quân sự khỏi các mối đe dọa tên lửa và nguy cơ tấn công đường không. ESSI được nhìn nhận là cách tiếp cận đa quốc gia và đa diện, cung cấp “một phương thức linh hoạt” để các quốc gia châu Âu tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ “một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí”, thay vì mỗi quốc gia phải chạy đua để xây dựng các hệ thống phòng không của riêng mình.
Theo Reuters, ESSI ra đời trong bối cảnh sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, nhiều quốc gia đồng minh NATO đã cắt giảm số lượng các đơn vị phòng không với nhận định rằng họ chỉ phải đối mặt với “mối đe dọa tên lửa hạn chế”. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius bày tỏ hy vọng sẽ đạt được những thỏa thuận mua sắm chung trong khuôn khổ ESSI trong vòng 3 đến 4 tháng tới.
Reuters cho biết, hiện có 19 nước tham gia ESSI nhưng đáng chú ý là Pháp-một đầu tàu của châu Âu-lại từ chối tham gia sáng kiến này. Phía Pháp cho rằng ESSI dẫn đến “sự lệ thuộc mới vào các quốc gia và doanh nghiệp sản xuất những hệ thống phòng không”.
Hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn tuyên bố nước này đã đạt tiến triển trong việc thuyết phục một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) xem xét và cân nhắc về một chiến lược phòng không “mang tính tự chủ chiến lược hơn”, đi ngược với nỗ lực triển khai ESSI do Đức dẫn dắt.
Theo Tổng thống Macron, điều quan trọng là EU cần xây dựng cho riêng mình một nền công nghiệp phòng không và chỉ mua sắm khí tài giữa các nước EU với nhau. “ESSI đặt ra các vấn đề về chính trị, chiến lược và kỹ thuật dường như chưa được giải quyết. Nếu những vấn đề này tiếp tục không được giải quyết, ESSI có nguy cơ gây thêm chia rẽ thay vì thúc đẩy sự gắn kết tại châu Âu”, chuyên gia Lydia Wachs thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế của Đức (SWP) bình luận.
Việc 10 nước thành viên NATO ký bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy ESSI được thực hiện bên lề cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh diễn ra từ ngày 11 đến 12-10, tại trụ sở của NATO ở Brussels.
Phát biểu với báo giới, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, tại cuộc họp, các Bộ trưởng Quốc phòng đã thảo luận hàng loạt vấn đề quan trọng, trong đó có viện trợ quân sự cho Ukraine, tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ của NATO, sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí đốt nối Phần Lan và Estonia, xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giao Hamas của Palestine.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/chau-au-tang-cuong-nang-luc-phong-khong-746842

Ý kiến ()