Ai ơi chớ chậm tiêm phòng
- Bệnh dại là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối nếu không được điều trị dự phòng kịp thời. Dù đã có vắc - xin và phác đồ điều trị, song thực tế cho thấy, không ít người dân vẫn chủ quan khi bị chó, mèo cắn, dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Ngày 13/5/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi (thường trú tại xã Mông Ân, huyện Bình Gia) trong tình trạng nguy kịch: mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, sốt cao liên tục. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp độ 3, theo dõi bệnh dại. Trước đó 2 tháng, bệnh nhi này bị chó cắn nhưng gia đình không đưa trẻ đi tiêm vắc - xin phòng dại mà tự chữa bằng thuốc đông y. Chỉ đến khi bệnh có biểu hiện nghiêm trọng, trẻ mới được đưa đến bệnh viện, khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, cho thở máy, truyền kháng sinh, sử dụng thuốc vận mạch…, nhưng bệnh tình của cháu bé vẫn không tiến triển, nguy cơ tử vong cao, gia đình xin dừng điều trị, đưa về nhà và đã tử vong tại nhà.
Ánh mắt lo lắng của người mẹ vừa đưa con đến viện với những triệu chứng nguy kịch khi phát bệnh, những cái lắc đầu tiếc nuối của bác sĩ khi bệnh đã vào giai đoạn muộn… là lời nhắc nhở nghiêm khắc về sự cẩn trọng trong phòng bệnh dại, đừng để sự chủ quan trở thành sai lầm không thể cứu vãn.
Bác sĩ Bùi Huynh Định, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Gia thông tin: Sau khi nhận được thông tin về trường hợp bị mắc dại, trung tâm đã cử cán bộ đến xã Mông Ân phối hợp cùng trạm y tế điều tra truy vết, lập danh sách người dân có tiếp xúc với vật truyền bệnh, vận động người dân đi tiêm phòng dại. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng chống bệnh dại trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và phòng tránh.
Trước đó, năm 2024, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong vì bệnh dại do không tiêm phòng. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan trong việc phòng chống bệnh dại ở người dân.
Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh dại một khi khởi phát, hầu như không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu người bị động vật cắn được điều trị dự phòng đúng cách, kịp thời. Chúng tôi khuyến cáo người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, không nên tự điều trị hoặc xem nhẹ vết thương do động vật cắn, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi và tiêm phòng đúng phác đồ.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, số người bị chó mèo cắn, cào đến tiêm phòng vắc-xin dại tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2025 đến nay tăng cao so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh có 2.475 người tiêm vắc-xin phòng bệnh dại (tăng 639 ca so với cùng kỳ 2024), 72 người tiêm huyết thanh kháng dại (tăng 19 người so với cùng kỳ 2024). Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở xã Gia Cát, huyện Cao Lộc kể: Cách đây vài tháng, cháu tôi cũng bị chó cắn. Nhiều người bảo để theo dõi, nhưng tôi không dám chủ quan, đưa cháu đến ngay Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm đủ 5 mũi vắc - xin phòng dại.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 130.000 con chó, mèo. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành các văn bản triển khai xây dựng cơ sở an toàn bệnh dại ở chó, mèo; chỉ đạo đơn vị trực thuộc tổ chức điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc - xin phòng bệnh dại cho chó, mèo đạt khoảng 33% tổng đàn, tỷ lệ này còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra (từ 75% trở lên).
Để chủ động giám sát, tăng cường phòng, chống bệnh dại trên địa bàn, ngày 14/5/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ban hành công văn số 257 đề nghị trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Trong đó tập trung giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tiếp tục giám sát, phòng chống bệnh dại theo quy định; dự trù đầy đủ kháng huyết thanh, vắc - xin phòng bệnh dại để tiêm kịp thời cho người dân khi có nhu cầu; truyền thông sâu rộng về tính chất nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống bệnh dại; vận động người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc đông y, các mẹo dân gian để điều trị bệnh dại và kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị chó, mèo cắn.

Ý kiến ()