Cao Lộc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho năm học mới
![]() |
Thi công 2 phòng học mầm non tại thôn Co Cam, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc |
Mặc dù mưa nắng bất chợt, song những người thợ trên công trình xây dựng 2 phòng học cho cấp học mầm non tại phân trường tiểu học Co Cam (Hòa Cư) vẫn nhanh tay để kịp tiến độ bàn giao công trình trước ngày khai giảng. Trao đổi với chung tôi, ông Hoàng Văn Đông, phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đây là 2 phòng học rất có ý nghĩa vì nó giải tỏa sức ép cho phân trường tiểu học tại thôn này. Vì vậy, địa phương đã động viên người dân hiến trên 120 m2 đất và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể giải ngân nguồn vốn của tỉnh và của huyện cho xây dựng.
Kết thúc năm học 2013-2014, toàn huyện Cao Lộc có 577 phòng học thuộc các trường công lập, trong đó kiên cố là 355 phòng (tỷ lệ 61,25%), bán kiên cố là 182 phòng (tỷ lệ 31,54%). Tuy vẫn còn 35 phòng học cấp 4 đã hết niên hạn sử dụng và 5 phòng trình tường thuộc các điểm trường của 2 xã Công Sơn và Mẫu Sơn, song về cơ bản đã đáp ứng được cho sự phát triển và nâng cao chất lượng. Về phòng công vụ cho giáo viên, toàn huyện có 162 phòng, trong đó có 155 phòng cấp 4 và 7 phòng tạm, đáp ứng được nhu cầu của các giáo viên vùng cao, vùng xa. Tuy vậy, do cấp học mầm non (MN) phát triển nhanh, nên tính chất tạm bợ còn nhiều, cơ sở vật chất cho công tác bán trú còn gặp nhiều khó khăn và nhất là việc một số điểm trường MN còn gắn với phổ thông nên ảnh hưởng tới chất lượng.
Trước thực tế đó, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học 2014-2015 tập trung vào xây dựng thêm phòng học, bếp ăn cho các trường MN, bổ sung kinh phí sửa chữa phòng học, xây dựng thêm các công trình phụ trợ để sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới. Theo đó, ngay trong hè, bằng nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ, vốn ngân sách huyện, vốn chương trình 135, 120… Cao Lộc đã khởi công xây dựng các công trình như nhà 2 phòng học cho phân trường Co Cam của trường MN Hòa Cư với tổng vốn trên 916 triệu đồng; xây dựng bếp ăn cho trường MN Song Giáp với số vốn trên 397 triệu đồng, xây dựng nhà vệ sinh cho các trường THCS xã Tân Thành, Hải Yến với tổng kinh phí gần 474 triệu đồng; xây dựng 2 phòng học cho trường MN Thanh Lòa, sửa chữa phòng học cho tiểu học Thanh Lòa với số vốn 1300 triệu đồng; xây dựng bếp ăn, khu nhà vệ sinh cho phân trường Nà Mò (Lộc Yên) với số vốn 900 triệu đồng… Làm việc với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hồng Thúy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, đây là những công trình cấp 4, nhỏ lẻ và được khởi công ngay khi kết thúc năm học cũ, nên tiến độ đạt khá và không có vướng mắc gì về vấn đề đất đai cũng như nhà thầu. Qua kiểm tra, tất cả các công trình đã đạt đúng tiến độ, nhiều công trình đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng trước năm học mới.
Do chủ động triển khai công tác phòng chống mưa bão, bảo vệ trường lớp học, nên trong cơn bão số 2 vừa qua, cơ sở vật chất của ngành GD&ĐT Cao Lộc được đảm bảo tuyệt đối an toàn. Không có tình trạng tốc mái, đổ tường, sạt lở đất tại các nhà trường. Riêng xã Gia Cát có 1 phân trường bị ngập nước, đội ngũ cán bộ giáo viên và nhân dân kịp thời sơ tán học cụ, bàn ghế, nên không có thiệt hại, hư hỏng. Là địa phương có nhiều xã vùng cao, biên giới, đối tượng học sinh được hưởng các chế độ trợ cấp như sách giáo khoa, giấy vở học sinh… Để chủ động trong vấn đề này, ngay trong tháng 6/2014, ngành đã tham mưu cho UBND huyện về các thủ tục mua sắm và cấp phát. Đến đầu tháng 8 này, tất cả sách giáo khoa và giấy vở học sinh theo chế độ đã được cấp đến các nhà trường.
Nhiều năm qua, Cao Lộc là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Kết quả của công tác này đã góp phần đưa Cao Lộc trở thành địa phương thứ 2 của tỉnh (sau thành phố) hoàn thành công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi và cuối năm 2014, sớm hơn kế hoạch 1 năm. Năm học 2014-2015, song song với củng cố và đưa các trường Phổ thông Dân tộc bán trú vào hoạt động có nền nếp, ngành sẽ chuẩn bị các yếu tố để đề nghị tách và thành lập thêm 3 trường nữa, đó là các trường Phổ thông DTBT Trung học cơ sở Thạch Đạn, Xuân Long và Lộc Yên. Trên thực tế, thêm 1 trường mới hoặc chuyển đổi loại hình một nhà trường là ngành GD&ĐT lại thêm một “gánh nặng” về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, tích cực, được sự quan tâm của Sở GD&ĐT, của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của huyện và công tác xã hội hóa ở mức cao, ngành GD&ĐT Cao Lộc sẽ đáp ứng được những nhu cầu phát triển của ngành.

Ý kiến ()