Cần mở rộng đường cho những mô hình thư viện, tủ sách mới
Đoàn văn nghệ sĩ Hưng Yên thăm và cổ vũ thư viện Hồng Châu, thôn Hoàng Lê, xã Phan Đình Phùng, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên
Đang có nhiều sáng kiến thành lập, phát triển các mô hình thư viện, tủ sách, phòng đọc… trong xã hội với tính linh hoạt và sự phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể. Dự thảo Luật thư viện cần bao quát được và định hướng, tạo tiền đề cho các mô hình đó lan rộng, tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ từ xã hội.
Đề cao sự phát triển hiện đại, hội nhập
Nhằm thay thế cho Pháp lệnh thư viện được ban hành năm 2000, Luật thư viện đang được xây dựng với mục đích: “góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản và học tập suốt đời của công dân, nâng cao trình độ văn minh xã hội và nâng cao tố chất khoa học, văn hóa cho công dân, truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Dự thảo Luật thư viện gồm 6 Chương, 50 Điều, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo thời gian qua, sẽ là một nội dung được đưa ra trình Quốc hội trong thời gian tới. Hiện nay, dự thảo đang tiếp tục được tổ chức lấy ý kiến, góp ý để hoàn thiện.
Theo nội dung dự thảo, hoạt động thư viện nói chung được định hướng, gợi mở nhiều hướng phát triển văn minh, hiện đại, tiên tiến; phát huy tích cực việc ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dịch vụ, người làm công tác thư viện; tăng cường tích lũy nguồn tư liệu; đẩy mạnh liên kết, hợp tác hoạt động thư viện; đề cao sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các ban ngành; khuyến khích sự góp sức của toàn dân, toàn xã hội vào việc phát triển thư viện, phát triển văn hóa đọc…
Đó là những vấn đề chính quan trọng được thể hiện trong dự thảo, nhằm xây dựng hệ thống thư viện phát triển mạnh mẽ trong cả nước, đáp ứng rộng rãi nhu cầu bạn đọc, nhân lên tinh thần đọc sách, ham học hỏi trong xã hội. Có thể thấy những định hướng, quy định tích cực mang tinh thần nhập cuộc, hội nhập với xu thế phát triển của xã hội, được thể hiện trong dự thảo.
Cần “đường dẫn” cho thư viện đặc thù
Nhưng cùng với những nội dung chung đó, cần quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động thư viện, phong trào đọc sách trong hiện tại đã và đang được triển khai ở nhiều địa bàn cơ sở, do các cá nhân, nhóm, cơ quan đơn vị, tổ chức thực hiện với mục tiêu công ích. Để từ đó đưa thêm vào dự thảo luật những định hướng sát thực, cập nhật hơn, đồng thời gợi mở những hỗ trợ, đồng hành kịp thời của xã hội, các địa phương, các cơ quan đơn vị nơi diễn ra hoạt động thư viện, cả ở thư viện có quy mô lẫn các mô hình nhỏ gọn, linh hoạt.
Một thí dụ, mô hình thư viện lưu động những năm qua đã xuất hiện và được một số NXB, đơn vị phối hợp triển khai bằng những chuyến xe sách di chuyển qua nhiều nơi, mang sách giới thiệu và phục vụ công chúng. Trong đó đối tượng chính là học sinh, thiếu nhi các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa… Thực tế, hình thức này không nhằm mục đích tạo địa chỉ đọc cố định, lâu dài trên các địa bàn cụ thể, mà chủ yếu mang ý nghĩa quảng bá, khuyến khích việc đọc sách, thu nạp tri thức. Với ý nghĩa tích cực này, và khả năng lưu động, truyền tải hình ảnh, lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều nơi, mô hình thư viện lưu động nên được chú trọng hơn trong dự thảo.
Cần có những nội dung đề cập đến việc phát huy, phát triển mô hình này với việc định hướng các NXB tổ chức thường niên; quy định các địa phương cơ sở tạo điều kiện hỗ trợ; thậm chí, các thư viện tỉnh, thư viện huyện trong điều kiện nguồn sách báo không nhỏ của mình, cộng với phương tiện, thiết bị đã có, cũng cần triển khai định kỳ, để đưa sách qua các trường học, địa bàn thị trấn, xã, thôn…
Một số mô hình thư viện cơ sở độc đáo khác cũng đã được nhắc đến, nhưng mới chỉ “thấp thoáng”. Cần định hướng sâu hơn, như những hình thức hoạt động thư viện bắt buộc, theo yêu cầu của luật, cần được ưu tiên, tạo điều kiện. Bởi những mô hình đó sẽ ra đời trong điều kiện đặc thù, không hẳn giống với hoàn cảnh chung, phổ thông trong xã hội. Đó là mô hình thư viện, tủ sách trong trại giam, trại giáo dưỡng, nơi khám chữa bệnh bắt buộc, rồi thư viện, tủ sách trong bệnh viện, trong khu công nghiệp, khu chế xuất, kể cả thư viện trong đơn vị công an, quân đội… Nhưng muốn nâng cao khả năng phục vụ của những mô hình nhân văn này một cách thiết thực, thì phải có những quy định cụ thể hơn để các nơi có thể căn cứ áp dụng. Thí dụ như yêu cầu các đơn vị chủ quản như trại, trung tâm, bệnh viện, đơn vị… có dành không gian để tổ chức hoạt động thư viện, phòng đọc; bố trí thời gian phù hợp trong tuần để tạo điều kiện cho các đối tượng, nhân sự, lực lượng thuộc quản lý được đến đọc sách báo; đặc biệt là có thông tin, tuyên truyền thường xuyên đến các đối tượng, nhân sự, lực lượng để khuyến khích việc đọc, bởi do những đặc thù công việc, nghề nghiệp mà việc đọc trong những môi trường trên sẽ có những hạn chế nhất định.
Gợi mở thêm để “trăm hoa đua nở”
Cùng với đó, dự thảo luật cần định hướng việc thiết lập, phát triển, nhân rộng nhiều mô hình thư viện, tủ sách khác nhau phù hợp theo hoàn cảnh, thời điểm, sáng kiến trong xã hội. Thí dụ như những năm qua, các mô hình tủ sách dòng họ, tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh… đã phát triển lan rộng ở nhiều địa phương. Từ những người sáng lập, khởi xướng ban đầu, đã có nhiều người khác học tập, làm theo một cách tự giác. Từ việc tặng sách, xin sách ban đầu, đã có sự tự thân vận động đóng góp và đóng góp tài chính, nguồn sách từ các dòng họ, người trong địa phương, cộng đồng… cho các tủ sách; đã có một số nơi, từ những mô hình đã “có tên”, từ phong trào đọc sách được phát huy mà lập ra thêm những tủ sách vùng cao, thư viện gia đình, câu lạc bộ đọc sách, phòng đọc ở khu tập thể, khu phố… và tạo điều kiện cho người dân sở tại đến đọc, mượn sách báo.
Dự thảo Luật thư viện nên dành thêm nội dung đưa những mô hình thư viện, tủ sách như trên vào các điều khoản liên quan đến vấn đề xã hội hóa phát triển thư viện. Việc xã hội hóa không chỉ là phát triển thư viện tư nhân hay doanh nghiệp có thu phí, mà ở nhiều nơi đang có các hoạt động thư viện, hoạt động “khuyến đọc” mang tính công ích cao, với tinh thần phục vụ xã hội phi lợi nhuận. Và như vậy, nên có thêm nội dung đề nghị chính quyền địa phương, ngành văn hóa, truyền thông địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho các mô hình mới này, có thể coi là non trẻ so với mô hình thư viện truyền thống, nhưng đã cho thấy hiệu quả hoạt động, được dư luận đánh giá cao, được nhiều cộng đồng trong xã hội tín nhiệm, áp dụng.
Mở rộng đường phát triển cho các mô hình thư viện mang nhiều nét đặc thù, thư viện cơ sở như trên, thì cùng với đó, hình thức quản lý, đánh giá hoạt động cũng nên có những phương thức phù hợp. Thí dụ như các điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, phương thức hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, những định hướng liên thông, hợp tác quốc tế… có thể phù hợp hơn với sự phát triển của các thư viện quốc gia, tỉnh, ngành, lĩnh vực nghiên cứu… có quy mô và tính chuyên sâu, cùng điều kiện đầu tư lớn về tài chính, tư liệu, với nhiều cơ hội liên thông, hợp tác. Còn với các thư viện, tủ sách, phòng đọc nhỏ gọn như trên, thì khả năng lan tỏa, gieo cảm hứng trong cộng đồng, mở đường đến văn hóa đọc cho bạn đọc cơ sở, và yêu cầu được hỗ trợ, tiếp sức trong hoàn cảnh hiện nay rất cần được đề cao, cổ vũ. Điều này cũng cần được thể hiện trong dự thảo để có sự định hướng và xây dựng quan điểm tiếp cận đối với các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương trong việc theo dõi, đánh giá, hỗ trợ hoạt động.
Quan tâm phát triển vĩ mô, tầm cao, sự tiên tiến, hiện đại trong sự nghiệp, hoạt động thư viện, đó là định hướng, mục tiêu quan trọng. Cùng với đó, dù đã bàn đến, đã thể hiện tinh thần ủng hộ, khuyến khích, nhưng dự thảo Luật thư viện cần chú trọng nhiều hơn nữa vào cái nền cơ sở. Đặc biệt trong đó, ngoài những mô hình thư viện công lập, được tiếp nhận “bầu sữa” ngân sách, thì đang có nhiều mô hình thư viện ngoài công lập, tự thân và tích cực vươn lên, cũng rất cần được mở rộng đường đi, được “nhận sữa” từ Nhà nước và xã hội.

Ý kiến ()