Các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Maroc ký kết văn kiện hợp tác
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi hợp tác với cơ quan đối tác Maroc.
Hợp tác phát triển “kinh tế xanh”
Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Mỏ và Phát triển bền vững Maroc Aziz Rabbah, Maroc là quốc gia đang phát triển, nhưng rất chú trọng phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh thân thiện với môi trường. Với việc ký kết văn kiện hợp tác này, Việt Nam và Maroc sẽ trở thành “đôi bạn cùng tiến” trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Ông nhấn mạnh, chúng ta đã tham gia nhiều văn kiện về chống biến đổi khí hậu, nhưng nhiều quốc gia không tôn trọng những văn kiện ấy, trong đó có các quốc gia phát triển mặc dù 80% khí thải nhà kính đến từ các quốc gia phát triển. Bộ trưởng Aziz Rabbah cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Maroc trong lĩnh vực này để các nước phát triển buộc phải tôn trọng các cam kết, thỏa thuận bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững, vì thế hệ tương lai cũng là nhận thức chung của Việt Nam và Maroc, hai nước cần cụ thể hóa những thỏa thuận hợp tác được ký kết lần này để “đó không chỉ là tờ giấy”.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, cũng giống như Maroc, Việt Nam được biết đến là quốc gia rất tươi đẹp, nhiều kỳ quan thiên nhiên của thế giới, có môi trường an ninh – chính trị ổn định nên các nhà đầu tư nước ngoài rất yên tâm lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, quá trình phát triển mạnh mẽ của Việt Nam vừa qua cũng đang đặt ra những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Việt Nam xác định, phát triển kinh tế xanh, bền vững, thân thiện với môi trường là nhiệm vụ rất quan trọng. Để chuyển sang giai đoạn mới, tăng trưởng xanh với lượng khí thải cacbon thấp đòi hỏi hai nước phải hợp tác và trao đổi kinh nghiệm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn, Việt Nam và Maroc sẽ có những bước tiến thật nhanh, thật vững chắc để tiên phong trong hợp tác về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, góp phần đưa thỏa thuận của hai nước sớm trở thành hiện thực.
Trao đổi thông tin về các cơ hội kinh doanh
Cùng ngày, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, tại Thủ đô nước bạn, Bộ Công thương Việt Nam cùng Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số Maroc tổ chức ký kết Bản ghi nhớ thành lập Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp;….
Việc thành lập Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp (SCCCI) nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại và công nghiệp trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với các điều khoản của Bản ghi nhớ và các luật, quy định, chính sách quốc gia hiện hành tại mỗi nước. SCCCI sẽ họp khi cần thiết và phải có yêu cầu bằng văn bản của một bên.
Dịp này, đại diện hai bộ đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Công thương của Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số của Maroc.
Theo đó, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại song phương và trao đổi kiến thức, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước. Hai bên tăng cường trao đổi thông tin về các cơ hội kinh doanh giữa hai nước, nhất là về các ngành hàng có nhiều tiềm năng trao đổi thương mại như nông sản (cà phê, hạt tiêu, chà là, oliu), hàng hải sản, sản phẩm dệt may, giàu dép các loại, sợi các loại, điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phốt phát, than…
Bên cạnh đó, hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh như kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp điện tử và cơ khí, năng lượng tái tạo, dệt may, hóa chất, sản xuất phân bón; trao đổi kinh nghiệm về cơ chế chính sách phát triển thương mại và công nghiệp, thúc đẩy đầu tư và thành lập liên doanh giữa doanh nghiệp hai nước, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các ngành hàng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật.
Hai bên cũng nhất trí thành lập Nhóm công tác Việt Nam – Maroc về hợp tác thương mại và công nghiệp để thường xuyên phối hợp, giải quyết các vấn đề liên quan hợp tác song phương trong lĩnh vực này; nghiên cứu và đề xuất các chiến lược nhằm thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp kèm theo các kế hoạch hành động giữa hai Bộ…
Thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai thành phố
Chiều 28-3, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng và Hội đồng Thành phố Tangier, Maroc đã ký Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai thành phố.
Tham dự các lễ ký kết có sự chứng kiến của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Bí thư Thành ủy Thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà…
Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Nội vụ bạn, Tangier là một thành phố lớn ở miền tây bắc Maroc, nằm cạnh bờ biển, ở mạn tây eo biển Gibraltar, nơi Địa Trung Hải gặp Đại Tây Dương ngoài khơi Cap Spartel. Đây là thủ phủ của vùng Tanger-Tetouan-Al Hoceima và tỉnh Tangier-Assilah của Maroc và hiện đang là một trong những thành phố phát triển năng động nhất của Maroc, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và công nghiệp.
Theo Bản ghi nhớ, hai Bên nhất trí thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác trong phạm vi thẩm quyền của mỗi Bên, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và chính sách của Maroc và Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên; nhất trí thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực quản lý và phát triển cảng biển và xúc tiến du lịch. Hai bên cũng sẽ tăng cường trao đổi và xúc tiến để thực hiện các dự án cụ thể trên các lĩnh vực đã thống nhất…
Phát biểu ý kiến tại Lễ ký Bản ghi nhớ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao vai trò của Đại sứ Maroc tại Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Maroc đã đóng góp to lớn vào việc kết nối hai địa phương và đặc biệt là nỗ lực của chính quyền hai thành phố.
Với việc thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác, đồng chí Nguyễn Văn Giàu bày tỏ tin tưởng, đây sẽ là cơ sở rất tốt để hai thành phố trao đổi kinh nghiệm và khai thác tiềm năng, thế mạnh của nhau trong tương lai và từ đó, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Maroc.

Ý kiến ()