Bộ đội Ðặc công khắc ghi lời dặn của Ðại tướng
Sự ra đi của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là một mất mát lớn của Ðảng, của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Trong những giờ phút thiêng liêng này, mỗi cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Ðặc công lại dâng lên niềm tôn kính, niềm tự hào đặc biệt, lòng tri ân sâu sắc đối với Ðại tướng - Người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội khai sinh Binh chủng đặc biệt - Binh chủng hai lần Anh hùng. Và từ trong sâu thẳm mỗi cán bộ, chiến sĩ Ðặc công, hôm nay, lời dặn của Ðại tướng lại thôi thúc bước quân hành.
Sự ra đi của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là một mất mát lớn của Ðảng, của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Trong những giờ phút thiêng liêng này, mỗi cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Ðặc công lại dâng lên niềm tôn kính, niềm tự hào đặc biệt, lòng tri ân sâu sắc đối với Ðại tướng – Người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội khai sinh Binh chủng đặc biệt – Binh chủng hai lần Anh hùng. Và từ trong sâu thẳm mỗi cán bộ, chiến sĩ Ðặc công, hôm nay, lời dặn của Ðại tướng lại thôi thúc bước quân hành.
Trong buổi lễ trọng thể đó, sau Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thay mặt Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng, Ðại tướng đã nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Ðặc công và khẳng định: Cách đánh đặc công là một trong những cách đánh quan trọng của lực lượng vũ trang ta, của nhân dân Việt Nam, là một trong những cách đánh dũng cảm nhất, sáng tạo nhất, anh dũng nhất của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam… Và Ðại tướng đã chỉ thị cho Binh chủng Ðặc công: Làm cho kỹ thuật đánh đặc công của chúng ta ngày càng trở thành một sức mạnh to lớn của cả lực lượng vũ trang, của quần chúng nhân dân, mà trong cách đánh đó, Ðặc công là một nòng cốt, là binh chủng đi trước.
Lời căn dặn và Chỉ thị của Ðại tướng cùng với Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo, là mệnh lệnh, là phương châm hành động của Bộ đội Ðặc công.
Ngay sau khi thành lập, mặc dù cơ sở vật chất bảo đảm cho huấn luyện, học tập, công tác, nơi ăn ở của bộ đội… còn thiếu thốn, khó khăn mọi mặt, song thực hiện sự chỉ đạo của Ðại tướng và Quân ủy T.Ư, trong phiên họp đầu tiên, Ðảng ủy Binh chủng đã xác định quyết tâm lãnh đạo binh chủng tham gia tác chiến trên các chiến trường phải bảo đảm giành thắng lợi ngay từ trận đầu. Ðến cuối năm 1967, lực lượng Ðặc công toàn quân đã có sự phát triển vượt bậc cả về quân số, quy mô tổ chức và vũ khí trang bị. Về quân số, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn, huấn luyện sát với cách đánh đặc công; về quy mô, được tổ chức đến cấp tiểu đoàn, trung đoàn và tương đương (thay vì chỉ tổ chức đến cấp đội, đại đội trước đây). Về vũ khí trang bị, từ chỗ chiến đấu bằng các loại vũ khí thô sơ, tự tạo là phổ biến, nay đã được trang bị một số loại vũ khí tương đối hiện đại. Ðồng thời, với công tác chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng và mục tiêu, các lực lượng đặc công các quân khu và trên toàn chiến trường miền nam thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu. Ngay trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Bộ đội Ðặc công đã có nhiều đơn vị tham gia chiến đấu rất dũng cảm. Ðó là lực lượng mũi nhọn, tiến công sắc bén vào các cơ quan đầu não, cơ sở trang bị hậu cần và phương tiện giao thông của địch ở các đô thị. Bộ đội Ðặc công đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy hàng trăm máy bay, hàng nghìn xe quân sự các loại, hàng chục vạn tấn bom đạn, xăng dầu, phương tiện chiến tranh khác của chúng.
Nét nổi bật của Bộ đội Ðặc công là sự thành công trong hiệp đồng về thời gian và mục tiêu cùng các lực lượng với một quy mô lớn. Ðiều đó minh chứng sự tiên liệu và tầm nhìn chiến lược, chính xác của Ðảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp… đã quyết định xây dựng lực lượng đặc công thành một binh chủng chiến đấu, đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiệp đồng quy mô lớn ở những thời điểm mang tính quyết định.
Tại Hội nghị Tổng kết Ðặc công toàn quân lần thứ nhất, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa dành cho Bộ đội Ðặc công những ân tình và lời khen ngợi, khích lệ đặc biệt: Ðặc công là biểu hiện tập trung của tư tưởng lấy ít đánh nhiều, thủ đoạn chiến thuật chủ yếu là tập kích bất ngờ đã phát triển đến đỉnh cao… Ðặc công của ta chẳng khác nào như một đội quân không chiến mà không có máy bay… nếu xây dựng đúng hướng thì đặc công cũng là binh chủng đánh hải quân địch lợi hại nhất, đánh cơ quan địch lợi hại nhất… Quân đội đế quốc có lực lượng không quân làm nhiệm vụ tập kích sâu vào hậu phương của đối phương, có xe tăng là lực lượng đột kích chủ yếu, thì ta trong lúc chưa có không quân, chưa có xe tăng, ta có đặc công là lực lượng có đủ sức mạnh đảm đương những chức năng đó… Ðến cuối năm 1968, Bộ đội Ðặc công với khả năng tác chiến lợi hại của mình, đã chứng tỏ là một đội quân “thủy chiến lừng danh không chiến hạm/không quân chiến lược chẳng tàu bay”. Những kết luận của Ðại tướng là cơ sở để Bộ đội Ðặc công và tác chiến đặc công tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Trải qua gần 50 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Bộ đội Ðặc công luôn quán triệt và thực hiện tốt đường lối, tư tưởng quân sự của Ðảng, Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lời căn dặn và Chỉ thị của Ðại tướng. Bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, đoàn kết, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, với sự nỗ lực phấn đấu liên tục, Binh chủng Ðặc công đã không ngừng trưởng thành lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hôm nay, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của lực lượng vũ trang đã đi xa, nhưng tư tưởng, nghệ thuật quân sự, tài thao lược và đạo đức nhân văn của Ðại tướng vẫn mãi tỏa sáng với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc, của nhân dân, của Quân đội ta.
Tiễn biệt Ðại tướng, mỗi cán bộ, chiến sĩ Ðặc công nguyện thắp nén tâm hương và mãi khắc ghi hình ảnh bình dị và Lời căn dặn ân tình của Ðại tướng với Bộ đội Ðặc công trên mỗi bước đường đi tới!
Theo Nhandan

Ý kiến ()