Bình Gia: Ghi dấu chặng đường 80 năm
- Cách đây 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc huyện Bình Gia đã từng bước xây dựng phong trào cách mạng tiến tới giải phóng hoàn toàn Bình Gia vào ngày 19/4/1945, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương Bình Gia ngày một phát triển.
Giành chính quyền
Từ cuối năm 1939, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy thống trị, tiến hành khủng bố và bắt bớ các chiến sĩ cách mạng, bóp nghẹt quyền tự do, dân chủ của Nhân dân. Cuối năm 1940, đồng chí Chu Văn Tấn, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ đã đến xóm Lũng Nọi (nay là khối phố 6A, thị trấn Bình Gia) và thôn Pá Nim (nay là khối phố Pá Nim, khối phố Tân Thành, thị trấn Bình Gia) để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng và xây dựng cơ sở quần chúng trung kiên cho hoạt động của Cứu quốc quân. Từ đó, phong trào cách mạng ở Bình Gia phát triển mạnh mẽ, lực lượng tham gia ngày càng đông đảo.
Từ tháng 2 đến tháng 4/1945, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, ngày 19/4/1945, các lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng cách mạng ở các xã đã đồng loạt tiến vào châu lỵ tiến công đồn Bình Gia. Lá cờ cách mạng tung bay tại khu Pò Đồn, Bình Gia được hoàn toàn giải phóng. Bình Gia trở thành một trong những huyện đầu tiên của Lạng Sơn giành chính quyền về tay Nhân dân.
Sau giải phóng, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đoàn kết, mưu trí, dũng cảm làm thất bại tất cả các cuộc hành quân tái chiếm của phát xít Nhật, bảo tồn lực lượng, giữ vững chính quyền Nhân dân, góp sức cùng cả nước đấu tranh giành thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày 5/5/1947, Đảng bộ huyện Bình Gia được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng tại các xã, thị trấn. Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang, Nhân dân đạt được những thành quả cách mạng trong giai đoạn 1946-1954 như: khôi phục sản xuất, chống “ giặc đói”, “giặc dốt”; đánh bại cuộc tiến công của thực dân Pháp tại đèo Cạm Bao, xã Hưng Đạo để bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng.
Là hậu cứ quan trọng cho mặt trận đường số 4, Nhân dân Bình Gia vừa xây dựng, củng cố chính quyền, vừa góp nhân lực, vật lực cho kháng chiến. Từ đó góp phần vào chiến thắng biến giới năm 1950, tạo đà cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, huyện Bình Gia cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng đã có 384 người con ưu tú của Bình Gia đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Nguyễn Sỹ Tân, Bí thư Huyện ủy Bình Gia cho biết: Với những thành tích đã đạt được trong xây dựng và trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, huyện Bình Gia đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2003 huyện và hai xã Hồng Phong, Hoa Thám được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 8 xã: Hoa Thám, Hưng Đạo, Hồng Phong, Thiện Thuật, Hoàng Văn Thụ, Mông Ân, Tân Văn, thị trấn Bình Gia là xã An toàn khu và huyện Bình Gia là vùng an toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.

Xây dựng quê hương
Ngay sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cùng với các địa phương khác, huyện Bình Gia nhanh chóng bắt tay vào công cuộc phát triển kinh tế và đã đạt được những thành tựu to lớn. Đặc biệt là những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục có những chuyển biến rõ nét. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Với đặc thù Bình Gia là một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động lồng ghép các nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2025, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện đạt 1.180 tỷ đồng, triển khai thực hiện đầu tư 251 dự án. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, chỉnh trang đô thị.
Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%; 19/19 xã, thị trấn có trụ sở làm việc khang trang; trên 80% phòng học được kiên cố; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ dân số thị trấn được sử dụng nước sạch đạt trên 90%; 100% thôn, khối phố của huyện đều có nhà văn hóa với hệ thống trang thiết bị cơ bản đảm bảo... Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Tuấn Uy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho biết: Năm 2024, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung sức của người dân, xã đã triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học... Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân. Đồng thời góp phần quan trọng vào việc đưa xã Hoa Thám hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới đề ra.
Cùng với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong những năm qua, huyện Bình Gia tiếp tục tập trung xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phát triển sản xuất phù hợp, hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả, cây lấy củ, cây công nghiệp, mô hình chăn nuôi trâu, bò, gà; xây dựng được 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất, kinh doanh... Từ đó góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm bình quân trên 5%/năm.

Song song với phát triển kinh tế, huyện Bình Gia thường xuyên quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội như đầu tư cơ sở vật chất, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; tăng cường đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa hạ tầng thông tin và truyền thông; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đảm bảo.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có 10/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân mỗi xã đạt gần 14 tiêu chí nông thôn mới; kết quả thu ngân sách tăng bình quân gần 20%/năm; doanh thu du lịch giai đoạn 2020-2025 đạt trên 82 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 76,2%... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn không ngừng được đổi mới.
Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong 80 năm qua, bước sang giai đoạn mới, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bình Gia tiếp tục viết tiếp những trang sử vẻ vang của mảnh đất anh hùng. Trong đó trọng tâm là tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, biến tiềm năng, lợi thế sẵn có thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển. Từ đó nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, xây dựng quê hương Bình Gia ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ý kiến ()