Bảy năm trong tình trạng “ba không”
![]() |
Nhà làm việc của Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hữu Liên, Hữu Lũng do dân đóng góp xây dựng |
Thực trạng buồn
Mặc dù trường mầm non ở gần trụ sở UBND xã rất tiện lợi cho việc gửi trẻ để làm việc song anh Hoàng Minh Tiến (xã Hữu Liên) vẫn phải đưa con vào tận thôn Làng Cướm cách nhà trên 5 km. Đơn giản là trường trung tâm không có cơ sở vật chất (CSVC) để nhận trẻ dưới 5 tuổi; ngược lại những người có con 5 tuổi từ các thôn Làng Cóc, Làng Cướm, Làng Bên… lại vòng vèo dăm bảy cây số đưa con về học điểm trường trung tâm. Ông Hoàng Ngọc Lừng, cán bộ Văn hóa xã hội xã Hữu Liên nói với chúng tôi rằng, tất cả đều như vậy, ngày hai buổi, cả xã cứ như cái “đèn cù”, người ngược người xuôi đưa trẻ đi trường.
Giải thích với chúng tôi về tình trạng này, cô giáo Vi Thị Khiêm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hữu Liên cho biết: toàn trường có 280 học sinh, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 2 tuổi đạt 23,4%, trẻ 3-4 tuổi đạt 92%, trẻ 5 tuổi đạt 100% (đứng tốp đầu về tỷ lệ huy động trẻ của giáo dục Hữu Lũng). Tuy nhiên do phải học nhờ, học mượn mà nhà trường phải “phân” các nhóm trẻ và mẫu giáo về 5 điểm trường khác nhau. Điểm trường trung tâm, mượn được 3 phòng học của trường tiểu học và ở Lân Châu đã có điểm trường tiểu học tương đối khang trang nên nhà trường bố trí cho 4 lớp trẻ 5 tuổi, tạo điều kiện cho phổ cập. Những điểm trường còn lại, nơi thì mượn được phòng công vụ của phân trường tiểu học, nơi thì mượn được nhà văn hóa thôn hoặc nhà dân, nên phải học dồn, học ghép.
Ở Hữu Liên, từ cán bộ xã đến người dân đã quá quen với cảnh từ cán bộ đến giáo viên đi từng gia đình vận động người dân đưa trẻ đến trường, rồi lại chạy đôn chạy đáo để liên hệ mượn phòng học cho học sinh mỗi khi năm học mới bắt đầu. Điều kiện CSVC như vậy nên nhà trường cũng chỉ phục vụ ăn bán trú được 74 trẻ 5 tuổi. Trò đã vậy, cô còn khổ hơn, từ năm đầu tiên thành lập đến cuối năm học 2013-2014, nơi làm việc của ban giám hiệu chỉ là khu lán để xe của trường tiểu học, bếp bán trú nhờ nhà dân, nấu xong, chia cơm canh và mang vào lớp cho các cháu.
Vượt khó và những ước mơ xa
Trước tình trạng ấy, cấp ủy, chính quyền và người dân xã rất trăn trở. Đầu năm 2013, xã đã huy động sự đóng góp của người dân được trên 300 triệu đồng mua được khu đất rộng 2.760m2 ngay cạnh trường tiểu học. Đầu năm học mới, nhà trường xin được bộ khung nhà ở Lân Châu, người dân đóng góp thêm để dựng nhà làm việc cho ban giám hiệu và bếp bán trú với tổng trị giá 50 triệu đồng. Tuy phòng còn thấp với tấm lợp nóng như nung song cũng được gọi là cơ sở riêng, chấm dứt hơn 7 năm trời thày và trò không có chỗ trú chân; cũng chấm dứt tình trạng bếp nhờ nhà dân trong nhiều năm trời.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Minh Luật, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Liên nói rằng: là một xã vùng cao, vùng khó khăn của Hữu Lũng, với phương châm coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”, những gì có thể làm được cho giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng, Hữu Liên đã làm và đang làm. Bằng chứng là việc huy động trẻ ra lớp, đảm bảo chế độ chính sách cho trẻ, cố gắng nâng cao chất lượng nuôi, dạy trẻ… Tuy vậy, việc xây dựng trường mầm non hoàn toàn nằm ngoài khả năng của xã. Mặt bằng “sạch” đã có, nếu nhà nước chưa thể đầu tư đồng bộ, thì hãy đầu tư dần, từ vài phòng học đến nhà làm việc, nhà bếp bán trú, thiết bị đồ chơi ngoài trời… và như vậy, trong vài ba năm, nhất định Trường Mầm non Hữu Liên sẽ dần khang trang với 8 phòng học theo nhu cầu. Trao đổi với chúng tôi về xây dựng cơ sở vật chất cho Trường Mầm non Hữu Liên, ông Trần Quốc An, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, rất khó đáp ứng cho Hữu Liên, vì không thể tìm được nguồn…”
Chưa có vốn để xây dựng trường, tức là tình trạng học nhờ, học mượn của học sinh Trường Mầm non Hữu Liên còn phải kéo dài. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn xã, ngành GD&ĐT Hữu Lũng cần quan tâm cung cấp thiết bị đồ dùng, đồ chơi ngoài trời cho trẻ 5 tuổi và cho các điểm trường. Vì thời điểm tháng 4/2015- thời điểm hoàn thành phổ cập của Hữu Liên đang cận kề.

Ý kiến ()