Bản Chang: Thành công từ nuôi cá chiết
LSO - Nhờ nuôi cá chiết, hơn chục hộ dân ở thôn Bản Chang, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định đã vươn lên khá giả, thậm chí có hộ vươn lên làm giàu.
Đánh bắt cá ở xã Chi Lăng, huyện Tràng Định
Không biết tên khoa học của loài cá này là gì nhưng từ lâu, người dân thôn Bản Chang vẫn quen gọi đó là con cá chiết. Cách đây hơn 10 năm, một vài hộ dân ở Bản Chang đã biết đến giá trị loài cá này và đem về nuôi trong ao. Cũng từ thành công của những hộ dân đầu tiên này mà giờ đây, từ một thôn thuần nông với cây ngô, cây lúa, phong trào nuôi cá chiết đã phát triển khá mạnh ở Bản Chang. Ông Hà Văn Dũng, người dân trong thôn chia sẻ: thấy có hộ dân trong thôn nuôi cá chiết đem lại thu nhập cao, lại không quá vất vả nên ngay khi về hưu, ông đã bàn với gia đình chuyển đổi diện tích 4 sào đất sang đào ao thả cá. Một mặt ông học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của những hộ nuôi cá đi trước, mặt khác ông chủ động đi tìm hiểu thị trường. Từ việc tìm mối cung ứng giống, thức ăn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Giống cá chiết được ông thu mua của một số hộ dân chuyên đánh bắt cá sông ở xã Quốc Việt. Không đủ cá giống, ông còn tìm đến cả một số huyện ở tỉnh Cao Bằng tìm mua giống. Trung bình mỗi năm, gia đình ông nuôi được 2 lứa, tùy vào điều kiện thời tiết từng mùa mà một lứa ông nuôi được 200.000 con, lứa còn lại nuôi được 80.000 con, tổng thời gian nuôi 2 lứa cá chiết vào khoảng 8-9 tháng. Thời gian còn lại trong năm, gia đình ông thả thêm những loại cá khác như trắm, trôi, chép, mè. Theo ông Dũng, nuôi cá chiết khó nhất là lúc mới thả bởi môi trường nước bị thay đổi, cá giống thường bị chết khá nhiều. Thậm chí có lứa nuôi, ao nhà ông bị chết đến cả 10.000 con. Cái khó nữa chính là nguồn thức ăn bởi ngoài cám chuyên dành cho nuôi cá còn cần một số lượng trứng gà khá lớn để pha chế thành thức ăn. Chính vì vậy, lứa cá chiết đầu của ông đạt hiệu quả không cao. Tuy nhiên đến nay đã qua hơn 2 năm nuôi, từ kinh nghiệm rồi đến kỹ thuật đều được ông đúc kết và vận dụng thành thạo, chính vì vậy mà hiệu quả từ cá chiết đã nâng lên rõ rệt. Trung bình mỗi con cá chiết bằng ngón tay bán được từ 2.500 – 3.700 đồng cho lãi từ 1.200-1.500 đồng. Với tổng đàn cá chiết trung bình một năm lên tới 280.000 con như của gia đình ông Dũng, trừ các loại chi phí như giống, thức ăn, cá giống chết…thì mỗi năm, gia đình ông vẫn thu lãi cả trăm triệu đồng.
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Hà Văn Dũng mà nhiều hộ dân khác ở thôn Bản Chang cũng đã thành công nhờ nuôi cá chiết. Bà Hoàng Thị Hiên, Trưởng thôn Bản Chang cho biết: ở thôn đã có hộ nuôi cá chiết cách đây cả chục năm nhưng khoảng 2 năm trở lại, chăn nuôi cá chiết mới thực sự phát triển. Cả thôn hiện có 15 hộ nuôi cá chiết, hộ nào ít cũng hơn 2 sào mặt nước, hộ nhiều lên tới 5-6 sào. Hầu hết các hộ trong thôn có ao đều nuôi cá chiết, bên cạnh đó người dân còn nuôi thêm các loại cá khác. Thu nhập trung bình từ nuôi cá chiết của các hộ cũng từ 50 đến hơn 100 triệu. Thấy hiệu quả kinh tế, người nọ bảo người kia, qua mỗi năm lại có thêm mấy ao cá nữa được xây dựng. Không giống ao nuôi cá ở một số nơi khác mà bà Hiên được biết, ao cá ở Bản Chang được người dân xây dựng kiên cố, khoa học với hệ thống cấp, thoát nước, trang thiết bị, dụng cụ chăm sóc, đánh bắt được đầu tư khá đầy đủ. Từ đầu năm đến nay, thôn Bản Chang cũng đã xây dựng được thêm 2 ao nuôi cá, trong đó có 1 ao đã hoàn thành và chuẩn bị thả lứa cá chiết đầu tiên.
Có thể khẳng định, mô hình nuôi cá, trong đó chủ yếu là cá chiết ở Bản Chang đã thực sự phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lăng chia sẻ: hiệu quả thì đã rõ nhưng triển vọng mở ra cho phát triển cá chiết còn lớn hơn rất nhiều bởi theo một số hộ dân nuôi cá, mặc dù giá cả thị trường có biến động song gần như cá chiết luôn được tiêu thụ hết, thậm chí có năm còn không đủ cá để bán. Thành công từ mô hình nuôi cá ở Bản Chang sẽ mở thêm một hướng mới cho phát triển chăn nuôi ở Chi Lăng, từ đó từng bước góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của xã.
Bài, ảnh: Đình Quyết

Ý kiến ()