Bám sát chủ trương và tình hình thực tế
LSO-Do yêu cầu phải đổi mới, xây dựng tổ chức bộ máy (TCBM) nhằm tinh gọn, giảm đầu mối và tổ chức trung gian, không dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ… 3 năm gần đây, Lạng Sơn chú trọng cải cách TCBM hành chính theo chỉ đạo của trung ương và căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh.
![]() |
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với cán bộ các ngành liên quan kiểm tra tình hình sâu róm hại thông tại xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình |
Ông Nông Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trong năm 2016, Chi cục Lâm nghiệp sáp nhập với Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Từ đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giảm được 1 chi cục. Hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tập trung về một đầu mối để sở chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Đơn vị hiện có 5 phòng chuyên môn, 1 đội và 11 hạt kiểm lâm cấp huyện với 1 chi cục trưởng, 5 chi cục phó, hơn 260 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Không riêng trường hợp trên, thời gian qua, toàn tỉnh giảm được 9 đơn vị sự nghiệp; 24 phòng chuyên môn, nghiệp vụ trực thuộc các sở, ngành tỉnh; 16 đầu mối đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện. Cụ thể đã sáp nhập 9 trung tâm dạy nghề trực thuộc UBND các huyện với 9 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND các huyện. Tỉnh cũng giải thể tất cả các phòng pháp chế thuộc 18 sở, ban, ngành; sáp nhập, giảm 6 phòng chuyên môn thuộc các sở: Nội vụ, GD&ĐT, NN&PTNT, Văn phòng UBND tỉnh; chuyển 11 đầu mối văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc UBND cấp huyện về Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); sáp nhập giảm 5 trường học thuộc UBND cấp huyện.
Bà Đường Ngọc Xuyên, Trưởng phòng Tổ chức biên chế và Tổ chức phi chính phủ, Sở Nội vụ cho biết: Với cơ cấu TCBM hiện nay, các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đã tích cực, chủ động tham mưu thực hiện nhiệm vụ được giao, hoàn thành các nội dung công việc theo kế hoạch công tác đề ra. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ có tính chất liên quan, đa lĩnh vực cơ bản đạt chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tiến độ về thời gian quy định.
Để công tác sắp xếp TCBM đảm bảo mục tiêu đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị theo Kết luận 64-KL/TW ngày 28/5/2013 Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Lạng Sơn còn căn cứ vào tình hình thực tế để sắp xếp TCBM. Cụ thể một số bộ, ngành có thông tư liên tịch về việc thành lập một số chi cục và đơn vị sự nghiệp nhưng tỉnh đã không thành lập gồm: Chi cục Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng, Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ.
Sắp xếp TCBM tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh là một việc làm khó, nhạy cảm, tuy nhiên, để bộ máy thông suốt, hiệu quả, không cồng kềnh thì việc này không thể không làm. Việc gì doanh nghiệp đảm nhận được thì giao cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sẽ không đảm trách nhiều. Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Thưởng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công, tinh giản biên chế, sắp xếp lại TCBM của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày 9/11/2016.
Để thực hiện quyết liệt công tác này, UBND tỉnh đã có Đề án cải cách thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công, tinh giản biên chế, sắp xếp lại TCBM của các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án; ban hành kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại TCBM các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; đã sắp xếp lại TCBM một số cơ quan, đơn vị. Hiện tại, tỉnh đang hoàn thiện việc thí điểm sáp nhập một số đơn vị theo yêu cầu thực tế. Dự kiến thời gian tới, cả tỉnh sẽ giảm thêm 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, 1 tổ chức phòng của trung tâm trực thuộc sở, 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện.
MINH ĐỨC

Ý kiến ()