Tăng tốc số hóa ngành ngân hàng
- Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, phát triển mô hình ngân hàng số, cung ứng các sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích, chất lượng tới khách hàng.

Ngày 11/5/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Quyết định số 810 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt là rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển các mô hình ngân hàng số, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện lợi, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng…
Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng các công nghệ số tiên tiến để tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng.
Ông Đỗ Văn Hiệp, Giám đốc ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội Chi nhánh Lạng Sơn (SHB Lạng Sơn) cho biết: Hướng tới mô hình ngân hàng hiện đại, tiêu chuẩn, SHB Lạng Sơn tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện với chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng và đã đạt được những kết quả tích cực, giúp tăng trưởng tốt về khách hàng và giao dịch. Đồng thời, chi nhánh đã xây dựng nhiều sản phẩm số, đưa các tính năng mới “online” như ứng dụng di động dành cho từng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân; tính năng bán ngoại tệ online; gửi và rút tiền online... Đến nay, các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu của ngân hàng đều được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số; 85% số lượng giao dịch của 10.000 khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đều được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số Mobile banking, Internet banking…
Tương tự như SHB Lạng Sơn, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) cũng tích cực đẩy mạnh triển khai dịch vụ mở tài khoản trực tuyến. Bà Đinh Thị Hồng Giang, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ số của Agribank liên tục được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang áp dụng phổ biến qua các kênh: Internet Banking, E-Mobile Banking, thanh toán qua thẻ ATM/POS, liên kết với các ví điện tử và được khách hàng sử dụng nhiều bởi sự thuận tiện, nhanh gọn, chính xác và bảo mật trong giao dịch. Đặc biệt, để người dân biết đến các sản phẩm số tiện ích, chi nhánh đã tổ chức các buổi ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, ví điện tử, đăng ký dịch vụ thu hộ; đăng ký nộp tiền học phí qua tài khoản thanh toán của Agribank; thanh toán qua mã VietQR… mang lại sự tiện lợi cho khách hàng. Nhờ đó, đến nay, đã có trên 20 nghìn tài khoản thực hiện đăng ký các ứng dụng giao dịch ngân hàng số SmartBanking của ngân hàng; trên 96% các đơn vị trường học trên địa bàn sử dụng dịch vụ thu hộ học phí; trên 30% khách hàng sử dụng dịch vụ nộp tiền điện, nước, viễn thông qua tài khoản.
Hiện nay, 16 tổ chức tín dụng trên địa bàn đang chú trọng phát triển, cung ứng và tăng cường truyền thông về các sản phẩm, dịch vụ phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm. Các ngân hàng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực như: thuế, y tế, giáo dục, điện, nước, an sinh xã hội... nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, tỷ lệ người trưởng thành trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt trên 76%; tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng chiếm trên 50%; thanh toán dịch vụ nước chiếm trên 80%; 100% cơ sở y tế sử dụng mã QRcode, số tài khoản để thanh toán giao dịch... Đồng thời, các ngân hàng cũng chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, ứng dụng thông minh tới khách hàng như: xác thực sinh trắc học trong giao dịch; ra mắt loa thông báo biến động số dư cho các cửa hàng, hộ kinh doanh trên địa bàn nhằm giúp việc thanh toán tiền hàng hóa diễn ra nhanh chóng, thuận tiện mà vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật.
Chị Nông Thùy Linh, chủ cửa hàng mỹ phẩm Trúc Skin Care – Eyelash, đường Nguyễn Phi Khanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Trong bối cảnh phát triển công nghệ như hiện nay, mọi người chủ yếu thanh toán bằng hình thức online thay vì dùng tiền mặt như trước đây, trung bình mỗi ngày tôi có từ 5 đến 7 giao dịch từ ngân hàng điện tử. Trước đây, mỗi lần khách hàng chuyển khoản, tôi phải mở điện thoại mới xem được thông báo biến động số dư, hiện nay có dịch vụ loa thông báo biến động số dư của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (VietcomBank Lạng Sơn), tôi thấy rất tiện lợi.
Việc tăng tốc số hóa ngành ngân hàng không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo môi trường kinh doanh hiện đại, giúp ngân hàng đáp ứng nhanh chóng và chính xác nhu cầu của khách hàng. Số hóa là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định giúp các ngân hàng duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường liên tục biến đổi, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị thực sự, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của hệ thống ngân hàng.

Ý kiến ()