Bác Hồ - nhà thơ của dân tộc Việt Nam
LSO-Khi đặt bút viết những bài thơ của tập “Nhật ký trong tù”, Nguyễn Ái Quốc đã từng nói “Ngâm thơ ta vốn không ham”.
Cách nói đó của một người cách mạng, một nhà chính trị thật khiêm tốn nhưng xuất phát từ một tình yêu Tổ quốc, lòng nhiệt thành với cách mạng, vì những nỗi thống khổ của dân tộc, của nhân loại, vì một tương lai tươi sáng, đã sinh một nhà thơ của dân tộc Việt Nam, đầy những giá trị nhân văn, với những định hướng vô cùng đúng đắn, có thể nói trong những vần thơ đó còn thắp lên ngọn lửa để “soi đường cho quốc dân đi”. Đó là danh nhân văn hóa thế giới, nhà thơ lớn của nhân dân Việt Nam – Hồ Chí Minh.
![]() |
Bác Hồ tiếp chuyện các nhà văn, nhà thơ: Tố Hữu (ngoài cùng bên trái), Phan Tứ (áo trắng) và Trần Đình Vân – Ảnh : TƯ LIỆU |
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có dễ, cũng có khó, nó thuộc về phạm trù cụ thể của từng cá nhân. Có những cái thuộc về giá trị đời thường ai cũng có thể học tập, làm theo được, nhất là về phong cách Cần- Kiệm- Liêm chính – Chí công- Vô tư. Song có phải ai cũng biết làm thơ như Bác và câu chuyện làm thơ không phải ai cũng có thể làm được, làm đúng nghĩa.
“Nhật ký trong tù” là một trong những bài học tuyệt vời cho những nhà chính trị làm thơ và các nhà thơ. Không chỉ bởi đó là hai trong một, vừa kỹ thuật, niêm luật làm thơ, vừa định hướng, giáo dục chính trị tư tưởng sâu sắc và nó còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau mà cuộc sống không thể thiếu được.
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh những cái tên gắn với dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam. Không chỉ những bài viết chính luận, những bài báo, bài viết sắc bén về tư tưởng, về thời cuộc, với nội dung 8 điểm yêu sách làm rung động cả nước Pháp trong Hội nghị Vecxây, về “Bản án chế độ thực dân Pháp”, rồi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như một lời hiệu triệu, rồi bản Tuyên ngôn độc lập như khẳng định với thế giới về tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.
Mở đầu tập thơ “Nhật ký trong tù”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tâm sự: “Ngâm thơ ta vốn không ham”! Người khiêm tốn như vậy! Song có lẽ ẩn sau điều đó, với một số người có lẽ thơ ca, hò vè chỉ là một điểm xuyết nhỏ trong thế giới tinh thần vui chơi giải trí. Nhưng thơ thực sự đã tồn tại cùng nhân loại, cùng dân tộc, nội dung, cách thể hiện tích cực có, tiêu cực cũng có, vui có, buồn có. Đó là tâm trạng, là hồn con người ẩn sâu trong đó. Khi xưa có người còn nói quá lên về thơ “Kiều” rằng: “Truyện Kiều còn, nước ta còn”, câu chuyện đã được thổi lên thành hồn của dân tộc. Thực ra thơ ở góc độ nào cũng thể hiện một tâm trạng, một cách nhìn, sự suy ngẫm, trải nghiệm về một hiện tượng, một sự việc trong cuộc sống và thơ cũng nhằm chuyển tải một thông điệp tới mọi người về những ý tưởng. Nói chung thơ nằm trong nhóm văn học nghệ thuật và cần phải bảo đảm những chức năng như: Giáo dục (tư tưởng, tinh thần), thẩm mỹ (cái đẹp), phát hiện cái mới (định hướng). Tuy “không ham”, có lúc Người cũng nhận là “nhà thơ”, đó là trong khi bị kẻ địch giam cầm, nỗi buồn mất nước, bản thân bị giam hãm, nhưng tâm hồn vẫn lạc quan, yêu đời, thể hiện rõ nhất qua bài “Ngắm trăng”;
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
(Năm 1943)
Không chỉ riêng “Nhật ký trong tù”, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh còn để lại nhiều bài thơ, tuy số lượng không nhiều bằng một số nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng thơ của Người có nhiều bài hay, có tính thời sự, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn cao, không chỉ ở thời điểm lúc bấy giờ mà còn có giá trị đến tận bây giờ. Trong chín năm ròng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khi còn ở thủ đô kháng chiến Việt Bắc, Người vô cùng lạc quan tin tưởng về chiến thắng ngày mai, Người cũng để lại nhiều bài thơ hay, tuy không giống như kiểu “Mây gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông”, song với thiên nhiên, hùng vĩ, với con người miền núi giản dị, mộc mạc, Người đã tả về “Cảnh rừng Việt Bắc”: Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày…
…Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.
(Năm 1947)
Với bạn thơ Người thật chân tình, Người hiểu tâm trạng, phong thái của văn nghệ sĩ, của người sáng tác thơ, nên Người đã gửi bài tâm sự “Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn”:
Xem sách, chim rừng vào cửa đậu,
Phê văn hoa núi ghé nghiên soi.
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài
(Năm 1948)
Làm thơ với Hồ Chí Minh, ngoài thể hiện tâm trạng, các nội dung còn có tính giáo dục, khuyên nhủ, định hướng, rất đời thường nhưng tính triết lý cao, người nhắc nhở “Nay ở trong thơ nên có thép”. Thơ cũng phải hướng tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và những điều cao đẹp khác nữa. Chính vậy mà khi cụ Bùi Bằng Đoàn nhận được bài thơ do Hồ Chí Minh tặng đã xúc động họa lại:
Sắt đá một lòng vì dân tộc
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ
Biết Người việc nước không hề rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù
(Năm 1948-Viết bằng chữ Hán đã được dịch)
Ở cương vị lãnh đạo, bận nhiều việc, nhưng Người vẫn làm thơ và “Vung bút thành thơ đuổi giặc thù”. Đó chính là trong thơ Người có chất thép.
Thơ Hồ Chí Minh dễ nhớ, bởi có nội dung giáo dục, định hướng ở đời, ai cũng có thể soi vào đó để thấy chính mình, học tập, vận dụng. Những bài thơ Xuân mang tính động viên, định hướng, điển hình như bài “Mừng Xuân 1969”, trước lúc đi xa, Người chỉ rõ và căn dặn:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên !Chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn.
Ngoài những bài thơ dài hoặc vừa như “Học đánh cờ”, “Giã gạo”… có tính triết lý, những câu thơ lẻ, ngắn của Người cũng mang đậm tính hướng dẫn, rất dễ vào lòng người như:
Nay tuy châu chấu đá voi,
Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra!
(Năm 1951)
Quan san muôn dặm một nhà
Bốn phương vô sản đều là anh em.
(Năm 1960)
Mùa xuân là tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
(Năm 1965)
Nhiều bài đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và chính sự kết hợp nhuần nhuyễn ấy giữa thơ và nhạc khiến người đọc, nghe càng dễ nhớ:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.
Thơ Người diễn tả tâm trạng một cách sâu sắc, lấy cảnh vật để nói nỗi lòng mình, thật đầy chất thơ, rất lãng mạn, nhưng tính cách mạng, chất thép cao, qua bài “Cảnh khuya”:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
(Năm 1947)
Thơ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã được dịch và in bằng nhiều thứ tiếng ở nước ngoài, qua đó cũng cho thấy rằng nhiều người, ở nhiều quốc gia khác nhau cũng yêu mến thơ Hồ Chí Minh. Có lẽ họ không chỉ đọc để giải trí, tìm hiểu về thơ của Việt Nam, thơ của Hồ Chí Minh – một vị lãnh tụ làm thơ, mà họ còn muốn tìm trong đó những ý tứ, những bài học về nhân văn, về đạo đức, về chỉ đạo đường hướng của một con người, một dân tộc.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ta có thể học qua ngay những nội dung từ bài viết của Người. Trong đó có thơ mà Người đã đúc kết từ cuộc sống, từ thực tiễn và nhờ thơ chuyển tải hộ mình tới mọi người. Thơ làm cho tâm hồn con người dịu đi, nhưng thơ cũng bảo cho con người ta bao điều nóng bỏng của thời đại. Có người nói “Thêm một bài thơ, bớt đi một tội ác”! Đó là một cách nói để ca ngợi về đóng góp của thơ. Thơ của Người tính nhân văn cao, hướng tới hòa bình, vì nhân loại, vì Tổ quốc. Nói gì thì nói: Dẫu sao thơ mãi tồn tại với thời gian và Hồ Chí Minh là một nhà thơ của dân tộc Việt Nam.
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
(Hoàng Trung Thông)
HOÀNG QUANG ĐỘ

Ý kiến ()