An ninh nguồn nước tương lai
LSO - Thời gian qua, những tác động của con người khiến nguồn nước ở nhiều nơi đang có nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt. Sự suy giảm nguồn nước trở thành thách thức lớn cho phát triển bền vững.
Công trình nước sinh hoạt ở Đồng Bục (Lộc Bình)
Ảnh: ĐỖ HOẠT
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện quy hoạch sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước (TNN) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó góp phần hài hoà giữa khai thác và bảo vệ, bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai.
Hiện toàn tỉnh có mức đảm bảo cấp nước tự nhiên bình quân đầu người trên 8.000 m3/người/năm, thấp hơn so với mức bình quân của cả nước (9.608 m3/người/năm), đây là một trong những điểm hạn chế về TNN của tỉnh. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng nước cho các ngành kinh tế – xã hội không ngừng gia tăng, nguy cơ về ô nhiễm và những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu làm suy giảm khả năng đáp ứng của nguồn nước…
Kiểm tra hoạt động cung cấp nước tại Công ty CP cấp thoát nước Lạng Sơn
Ông Hồ Tiến Thiệu, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: năm 2013 UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương, dự toán và kế hoạch đấu thầu tư vấn lập quy hoạch TNN tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, quy hoạch TNN đã hoàn thiện và đang trình UBND tỉnh phê duyệt, thông qua. Theo đó, tỉnh ta sẽ phân bổ trên từng tiểu lưu và được phân chia thành 12 tiểu vùng. Hiện tại, lượng nước sử dụng cho các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh khoảng 290 triệu m3/năm (gồm nước mặt và nước dưới đất). Dự báo đến năm 2020 là 437 triệu m3, năm 2030 là trên 700 triệu m3. Như vậy, đến năm 2030 nguồn nước trên địa bàn cơ bản đáp ứng cho các nhu cầu khai thác, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cụ thể, theo quy hoạch phân bổ nguồn TNN đảm bảo các chỉ tiêu cấp nước với các ngành kinh tế là: Sinh hoạt và du lịch, đảm bảo cấp đủ 100% lượng nước theo yêu cầu; nông nghiệp được cấp 70% trên tổng nhu cầu; công nghiệp và thủy sản được cấp 80% trên tổng nhu cầu.
Ông Hoàng Văn Nhất, Trưởng Phòng TNN và Khí tượng thủy văn, Sở TN&MT cho biết: Việc khai thác, sử dụng chưa hợp lý, chưa đi đôi với bảo vệ trong điều kiện kinh tế – xã hội phát triển thời gian qua đã và đang làm nguồn nước bị suy thoái, ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Để bảo vệ nguồn nước, trong quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp cần thực hiện là làm tốt công tác trồng, khoanh nuôi và bảo vệ tốt diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ lưu vực các sông; tăng cường năng lực, thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý các cấp; thực hiện đánh giá, kiểm kê TNN định kỳ đối với các sông, suối có nguồn nước lớn và tầng chứa nước có trữ lượng lớn, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về TNN đối với các tổ chức đang hoạt động khai thác, sử dụng TNN và xả nước thải vào nguồn nước…
Việc quy hoạch để sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, hài hoà các lợi ích trong bối cảnh nguồn nước suy giảm là vấn đề có ý nghĩa quan trọng khi an ninh nguồn nước đang bị đe doạ. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn nước là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Hãy chung tay vì một môi trường xanh – sạch – đẹp.
Bài, ảnh: Hồ Xuân Hương

Ý kiến ()