30 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị thế
Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc sau 30 năm gia nhập ASEAN, ngày càng thể hiện vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt.

“Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao vai trò là một thành viên ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm với năng lực tốt hơn và nguồn lực lớn hơn để đóng góp vào sự phát triển lâu dài của ASEAN. Tiềm năng này không chỉ bắt nguồn từ nền tảng vững chắc là sự trưởng thành và phát triển vượt bậc của đất nước trong hơn ba thập kỷ qua, mà còn gắn bó chặt chẽ với những cải cách toàn diện mà Việt Nam đang theo đuổi hiện nay.”
Bà Hoàng Thị Hà, chuyên gia cao cấp và đồng điều phối Chương trình Nghiên cứu Chính trị-Chiến lược khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore nhân dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2025).
Bà khẳng định những đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN trong 30 năm qua là vô cùng ý nghĩa và Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, có sự chuyển biến và phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong tổ chức khu vực này.
Đánh giá về đóng góp nổi bật của Việt Nam, bà Hoàng Thị Hà cho rằng đó chính là sự trưởng thành và vươn lên vượt bậc của đất nước từ một xuất phát điểm rất thấp khi gia nhập ASEAN.
Một Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả - tự thân điều đó đã góp phần củng cố sức mạnh tổng thể, tăng cường liên kết nội khối và nâng cao ảnh hưởng, vị thế quốc tế của ASEAN.
Năm 2024, GDP của Việt Nam đạt 476,4 tỷ USD, tăng gấp 23 lần so với năm 1995 và chiếm 12% GDP của toàn khối, so với mức chỉ 3,1% vào thời điểm gia nhập.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn giúp thúc đẩy quá trình mở rộng từ ASEAN-6 lên ASEAN-10 thông qua việc kết nạp các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á lục địa gồm Lào, Myanmar và Campuchia, giúp ASEAN trở thành tổ chức khu vực phản ánh đầy đủ toàn diện hơn bản sắc, lợi ích, thể chế chính trị và năng lực kinh tế đa dạng của các nước Đông Nam Á.

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang giữ vai trò tích cực trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên thông qua việc đề xuất và triển khai các chương trình như Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), góp phần thúc đẩy phát triển đồng đều trong ASEAN.
Theo bà Hoàng Thị Hà, việc Việt Nam gia nhập ASEAN diễn ra song song với việc bình thường hóa và cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Mỹ trong nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tạo nên đột phá chiến lược quan trọng để đất nước thoát khỏi thế cô lập và mở ra con đường hội nhập khu vực và quốc tế.
Trước thời điểm đó, đất nước Việt Nam hiện đại chưa từng trải qua một giai đoạn hòa bình ổn định kéo dài.
Tư cách thành viên ASEAN đã tạo dựng một môi trường khu vực ổn định, hòa bình và thuận lợi, cho phép đất nước tập trung nguồn lực cho đổi mới và phát triển kinh tế.
Đây không chỉ là lựa chọn chính sách đối ngoại, mà còn là bước ngoặt hướng tới một mô hình phát triển kinh tế thị trường mở và hội nhập.
Một dấu mốc quan trọng trong quá trình đó là việc Việt Nam tham gia khuôn khổ thương mại tự do đa phương đầu tiên-Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) năm 1995.
Sự tham gia này giúp cán bộ Việt Nam làm quen với đàm phán kỹ thuật về biểu thuế quan, phối hợp liên ngành hiệu quả và thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước để tham gia thương mại quốc tế.
AFTA cũng là “cửa ngõ” dẫn đến hội nhập kinh tế sâu rộng hơn ở cấp độ châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu, tạo nền tảng cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương trong những thập niên tiếp theo.

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất trong khu vực, với tỷ lệ thương mại trên GDP đạt khoảng 170% - chỉ đứng sau Singapore.
Mức độ hội nhập sâu rộng này được thúc đẩy nhờ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa phương mà ASEAN đã thiết lập với các đối tác kinh tế hàng đầu, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Đặc biệt, việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) càng củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bà Hoàng Thị Hà nhấn mạnh so với thời điểm mới gia nhập cách đây 30 năm, Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, không chỉ về trình độ kinh tế, mà còn ở sự tự tin về an ninh chính trị, định hướng con đường phát triển, năng lực cán bộ và thể chế trong hội nhập quốc tế và đặc biệt là tư duy chiến lược cùng vai trò địa chính trị của đất nước ngày càng được nâng cao.
Vai trò của Việt Nam trong ASEAN theo đó cũng chuyển biến mạnh mẽ - từ thận trọng, phòng thủ trong thập niên đầu sang ngày càng tự tin và chủ động dẫn dắt, nhất là trong việc thúc đẩy sự tham gia, hợp tác của tất cả các cường quốc vào khu vực Đông Nam Á thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Tiêu biểu là việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên và quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) cho Mỹ và Nga tham gia vào năm 2010, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.

Những bước đi này vừa góp phần khuyến khích các nước lớn ủng hộ và tuân thủ những nguyên tắc ứng xử của ASEAN, bao gồm tham vấn và đối thoại, giải quyết hòa bình tranh chấp và thượng tôn pháp luật; đồng thời tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực, qua đó bảo vệ lợi ích an ninh và giữ vững tự chủ chiến lược của Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Hà nhận định vai trò trung tâm của ASEAN đang đứng trước những thách thức lớn, có thể nói là chưa từng có.
Một mặt, đoàn kết nội khối đang chịu nhiều sức ép từ sự khác biệt trong lợi ích quốc gia, tính toán an ninh và tư duy chiến lược giữa các nước thành viên.
Mặt khác, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và áp lực chọn phe trong cạnh tranh nước lớn gia tăng đã khiến nhiều nước ASEAN tìm đến các tiếp cận ngoài ASEAN, như hợp tác song phương hay đa phương linh hoạt với các nước lớn, để đảm bảo lợi ích thiết thực và cấp thiết của quốc gia.
Trong bối cảnh đó, để duy trì và khẳng định vai trò trung tâm, ASEAN cần trở lại với những giá trị cốt lõi là đoàn kết chiến lược, gắn kết kinh tế nội khối, và một chính sách đối ngoại khôn khéo, độc lập.
ASEAN cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi các sáng kiến khu vực về hợp tác kinh tế lẫn an ninh.
Với vị thế địa chính trị trọng yếu, năng lực hội nhập ngày càng sâu rộng và bản lĩnh đối ngoại đã được khẳng định, Việt Nam có thể góp phần thúc đẩy đoàn kết nội khối, định hình lập trường chung của ASEAN về các vấn đề chiến lược, và tạo thuận lợi cho sự tham gia xây dựng của các đối tác vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục là hình mẫu về một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, khôn khéo, góp phần củng cố niềm tin chiến lược vào ASEAN cả từ bên trong lẫn bên ngoài khu vực.
Nhìn về tương lai, bà Hoàng Thị Hà bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong ASEAN.
Cuộc cách mạng thể chế đang diễn ra - với trọng tâm là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, và thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh - đang đặt nền móng cho một mô hình phát triển dựa trên chất lượng thay vì số lượng.
Song song với đó, chiến lược chuyển đổi kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đang mở ra triển vọng đưa Việt Nam vươn lên nắm bắt hiệu quả các xu thế lớn của kinh tế toàn cầu, từ chuyển dịch chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, kinh tế số cho tới tăng trưởng dựa trên tri thức.
Bà nhấn mạnh nếu duy trì quyết tâm cải cách và biết tận dụng các cơ hội trong bối cảnh chuyển động địa kinh tế hiện nay, Việt Nam không chỉ nâng cao được vị thế quốc gia mà còn có thể góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN- bằng cách thúc đẩy một ASEAN gắn kết, thích ứng và phát triển bền vững trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng./.

Ý kiến ()