Một tháng xử phạt 133 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
- Thực hiện các kế hoạch về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 (từ 15/4 -15/5/2025) với chủ đề: "Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố", lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra 209 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện 133 cơ sở vi phạm.
Cụ thể, thực hiện Kế hoạch số 45/KH-BCĐ ngày 26/3/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lạng Sơn, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025; Kế hoạch số 41/KH-SCT ngày 31/3/2025 của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025; Kế hoạch số 160/KH-QLTT ngày 8/4/2025 của Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, Chi cục QLTT đã chỉ đạo các đội QLTT chủ động tổ chức các tổ kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua kiểm tra đối với 209 cơ sở, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý 133 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các hành vi vi phạm chủ yếu như: kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng; không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc… Cơ quan QLTT tỉnh đã xử phạt trên 351 triệu đồng đối với các cơ sở vi phạm.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT đã yêu cầu chủ 209 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Được biết, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 52 đợt tuyên truyền trực tiếp cho gần 250 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm; cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật… Qua đó nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn thực phẩm an toàn.

Ý kiến ()