Phát triển khoa học - công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng
Khoa học-công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là động lực để phát triển kinh tế-xã hội của TP Hà Nội. Trong đó, hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô giữ vai trò trung tâm trong đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ, vì vậy, chú trọng bảo đảm tính gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền là điều kiện quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực KH-CN của thành phố.
Đề xuất thành lập liên minh đổi mới sáng tạo
TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm KH-CN và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và cả nước; nâng cao tỷ trọng kinh tế số, phấn đấu đạt tối thiểu 40% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); đặt mục tiêu hơn 50% số doanh nghiệp của thành phố có hoạt động đổi mới sáng tạo; cải thiện và nâng cao xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước; bảo đảm sự kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và cơ quan quản lý nhà nước.

Trong lĩnh vực đào tạo, TP Hà Nội là nơi tập trung đông đảo nhà khoa học, có số lượng lớn các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu. Vì vậy, theo GS, TS Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, thành phố cần có một mô hình phát triển mới, trong đó lấy tri thức dẫn dắt, công nghệ làm nền tảng, con người làm gốc và chính sách làm đòn bẩy. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất 4 cơ chế chiến lược để gắn phát triển KH-CN với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gồm: Cơ chế đặt hàng đối với các chương trình nghiên cứu chiến lược, trọng điểm của Thủ đô; thành lập liên minh đổi mới sáng tạo nhằm phát huy sức mạnh tập thể của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố; xây dựng cơ chế thử nghiệm công nghệ đô thị tại các khu công nghệ cao, khu công nghiệp tại Hà Nội; thành lập quỹ đổi mới sáng tạo của Hà Nội theo hình thức Nhà nước đầu tư-doanh nghiệp vận hành.
Đồng thời, Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn phối hợp cùng TP Hà Nội thực hiện một số chương trình nghiên cứu chiến lược để phục vụ tăng trưởng GRDP và phát triển bền vững của Thủ đô. Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo đô thị của Hà Nội, bao gồm xây dựng bản đồ số, cảm biến môi trường-giao thông theo thời gian thực; hỗ trợ chính quyền, doanh nghiệp khai thác dữ liệu mở đô thị. Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao quy mô nhỏ, bao gồm thiết kế robot, dây chuyền bán tự động, thiết bị công nghệ cao chi phí thấp; hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp phụ trợ, sản xuất nhỏ. Xây dựng bản đồ số về năng suất và đánh giá hoạt động KH-CN tại Hà Nội; tối ưu ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chương trình nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục thông minh, hình thành mô hình học tập suốt đời trên nền tảng số và đào tạo nhân lực số, nhân lực về trí tuệ nhân tạo cho chính quyền và doanh nghiệp tại Thủ đô.
Phát huy vai trò cầu nối của các khu công nghệ cao
Trên hành trình phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội, bên cạnh sự cố gắng của các cơ sở giáo dục trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao thì rất cần có những chính sách đóng vai trò trung gian của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đồng chí Vũ Xuân Hùng, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp TP Hà Nội, hiện nay, khoảng cách giữa kết quả đào tạo, nghiên cứu và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, vẫn là một trong những thách thức lớn. Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tích cực phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, đặc biệt ưu tiên các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội để hỗ trợ, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng, khai thác các vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo của thành phố. Cung cấp điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học, thầy, cô giáo, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố sử dụng, ươm tạo, thử nghiệm các kết quả nghiên cứu tại các cơ sở trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, tham mưu cho thành phố có các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tài chính, giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm công nghệ mới, sản phẩm mới, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ trọng điểm, chiến lược.
Để giải quyết vấn đề việc làm của sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đồng chí Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh, Ban Quản lý sẽ đóng vai trò trung gian, cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường. Với doanh nghiệp, Ban Quản lý thường xuyên, định kỳ thực hiện các khảo sát, có đầu mối tiếp nhận thông tin về nhu cầu nhân lực để chuyển thông tin này tới đầu mối liên lạc của các trường đại học, cao đẳng phù hợp; bên cạnh đó, đề xuất chính sách với thành phố để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, hỗ trợ khi tham gia phối hợp đào tạo cùng nhà trường, tuyển dụng nhân lực ngành khoa học kỹ thuật.
Với nhà trường, Ban Quản lý cung cấp thông tin cập nhật thị trường lao động; đồng hành với nhà trường xây dựng chương trình, hỗ trợ tổ chức cho sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đồng thời, phối hợp với nhà trường thực hiện các dự án ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo ngay trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ý kiến ()