Lá thư thổi bùng cuộc đối đầu giữa trường Harvard và chính quyền Trump
Cuộc đối đầu khởi nguồn từ một lá thư "không đủ thẩm quyền" gửi đến Harvard ngày 11/4, trong đó nêu các yêu cầu khắt khe đến nỗi trường phải phản ứng ngay lập tức.
New York Times đưa tin, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cho rằng cuộc đối đầu căng thẳng gần đây với trường Harvard bắt nguồn từ một sai lầm.
Cụ thể, một quan chức thuộc lực lượng chuyên trách chống chủ nghĩa bài Do Thái của chính quyền Trump cho biết bức thư yêu cầu gửi đến Harvard được phát đi mà không có sự cho phép đầy đủ.

Vào ngày 11/4, Đại học Harvard nhận được thư đính kèm trong email từ chính quyền Trump, liệt kê hàng loạt yêu cầu về tuyển dụng, tuyển sinh và chương trình giảng dạy. Các yêu cầu được cho là nặng nề đến mức khiến ban lãnh đạo nhà trường kết luận rằng họ buộc phải công khai phản đối chính quyền.
Đến 14/4, Harvard công bố quyết định phản đối, châm ngòi cho cuộc đối đầu gay gắt giữa một trong những đại học danh giá nhất nước Mỹ và Tổng thống Trump. Gần như ngay lập tức, một quan chức vội vàng gọi điện cho trường để xử lý tình hình. Viên chức này nói với Harvard rằng bức thư ngày 11/4 "không đủ thẩm quyền" và đáng ra không nên gửi đi.
Theo các nguồn tin của New York Times, bức thư do cố vấn của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh là Sean Keveney gửi. Ông Keveney là thành viên của lực lượng chuyên trách chống chủ nghĩa bài Do Thái.
Các nguồn tin cho biết chưa rõ vì sao bức thư lại được gửi đi hôm 11/4. Nội dung thư xác thực, nhưng trong nội bộ chính quyền có nhiều cách lý giải khác nhau về sự cố này. Một số quan chức Nhà Trắng cho rằng thư bị gửi sớm hơn dự kiến, trong khi những người khác tin rằng thư đáng lẽ là gửi nội bộ cho các thành viên lực lượng chuyên trách, chứ không phải cho Harvard.
Tuy nhiên, thời điểm gửi bức thư đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Khi thư được chuyển đến, các lãnh đạo Harvard vẫn đang tin rằng họ còn cơ hội duy trì đối thoại và tránh xung đột với Tổng thống Trump.
Trong hai tuần trước đó, trường và lực lượng chuyên trách liên tục có các cuộc trao đổi. Thế nhưng, nội dung bức thư quá cực đoan khiến Harvard kết luận rằng không thể đi đến thỏa thuận.
Sau khi Harvard công khai bác bỏ các yêu cầu, chính quyền Trump lập tức gia tăng áp lực: Đóng băng hàng tỷ USD tài trợ liên bang và đe dọa xem xét lại tình trạng miễn thuế của trường.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng khẳng định bức thư vẫn có hiệu lực, đồng thời chỉ trích Harvard phản ứng thái quá và không thiện chí tiếp tục đàm phán.
Ông May Mailman, chiến lược gia chính sách cấp cao của Nhà Trắng, phát biểu: “Các luật sư của Harvard đã sai khi không gọi điện cho các thành viên lực lượng chuyên trách chống bài Do Thái mà họ đã làm việc cùng suốt nhiều tuần. Thay vào đó, Harvard chọn cách đóng vai nạn nhân".
Tuy nhiên, bà Mailman cho biết, vẫn có con đường để tiếp tục các cuộc thảo luận nếu Harvard thực hiện theo những gì ông Trump muốn và xin lỗi sinh viên vì để cho chủ nghĩa bài Do Thái tồn tại trong trường.
Ông Sean Keveney chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, người phát ngôn của lực lượng chuyên trách chống bài Do Thái tuyên bố: “Lực lượng chuyên trách và toàn bộ chính quyền ông Trump đang phối hợp để đảm bảo rằng các tổ chức nhận tiền từ người nộp thuế phải tuân thủ đầy đủ mọi luật về quyền công dân".

Phía Harvard phản bác lập luận từ Nhà Trắng cho rằng trường lẽ ra nên xác minh lại với chính quyền sau khi nhận được bức thư.
Harvard khẳng định bức thư “được ba viên chức liên bang ký, in trên giấy chính thức, gửi từ hộp thư email của một quan chức cấp cao và được gửi đúng vào ngày 11/4 như đã hẹn trước”. Trường nhấn mạnh rằng “những người nhận được thư từ như vậy từ chính phủ Mỹ - kể cả khi nội dung chứa những yêu cầu vượt quá giới hạn một cách đáng kinh ngạc - không có lý do gì để nghi ngờ tính xác thực hay mức độ nghiêm trọng của văn bản”.
Harvard cũng nêu rõ: “Chúng tôi vẫn chưa rõ trong các phát ngôn và hành động gần đây của chính quyền, điều gì là sai sót và điều gì là có chủ đích. Nhưng dù cho bức thư là nhầm lẫn, thì những hành động mà chính phủ thực hiện trong tuần này vẫn gây ra hậu quả thực tế - không chỉ đối với sinh viên và nhân viên mà còn ảnh hưởng đến vị thế toàn cầu của nền giáo dục đại học Mỹ".
Các quan chức của Harvard, bao gồm một số người từng làm việc trong chính phủ trước đây, bị sốc khi một bức thư quan trọng như vậy - có logo của ba cơ quan chính phủ, với chữ ký của ba quan chức cấp cao ở cuối - có thể được gửi đi do nhầm lẫn.
Nhưng tại thời điểm đó, Harvard không có cách nào rút lại những gì đã làm. Trường đại học tuyên bố rằng họ sẽ bác bỏ các yêu cầu trong bức thư. Trong khi đó, mặc dù tuyên bố rằng lá thư không nên được gửi đi, các quan chức chính quyền ông Trump cũng không rút lại yêu cầu.
Ý kiến ()