“Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa”: Thêm một thủ đoạn lừa đảo tinh vi
- Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đã sử dụng phương thức lừa đảo mới là giả danh lực lượng chức năng, luật sư làm dịch vụ lấy lại tiền bị lừa để chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin, từng là nạn nhân của tội phạm lừa đảo trước đó.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024, chị H.T.K (tên nhân vật đã được thay đổi), trú tại xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn được một người bạn trên mạng xã hội giới thiệu cách kiếm tiền thông qua hình thức bán hàng trên mạng để hưởng lợi nhuận chênh lệch. Sau đó người này chuyển cho chị K xem một trang web bán hàng http://www.aliibabag.shop và bảo chị K đăng ký thành viên, mở gian hàng. Ban đầu, chị K có nạp một số tiền nhỏ và đã rút được lợi nhuận 2 lần, sau đó, chị K tiếp tục nạp thêm tiền để bán hàng, với số tiền hơn 130 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nạp số tiền trên, trang web mà chị K đăng nhập vào đã bị khoá, tài khoản người bạn hướng dẫn chị bán hàng qua mạng cũng đã không liên lạc được. Lúc này chị mới vỡ lẽ ra mình bị lừa.
Với mong muốn lấy lại được số tiền bị lừa, đến tháng 3/2024, sau khi tình cờ xem được quảng cáo trên facebook với nội dung “Công ty Luật TNHH Trí Minh có thể hỗ trợ người dân lấy lại tiền bị treo trên các sàn thương mại điện tử”, chị K đã nhắn tin vào trang facebook trên và được hướng dẫn liên lạc với luật sư Trần Quỳnh Trang. Chị K đã nhắn tin cho luật sư Trần Quỳnh Trang và được luật sư Trang yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, chị đã làm theo hướng dẫn và chuyển khoản nộp lệ phí làm hồ sơ là 1.250.000 đồng.
Sau đó, Trang tiếp tục bảo chị K liên lạc với một số luật sư khác cùng công ty để hoàn thiện các thủ tục giải ngân, lấy lại tiền. Chị K được yêu cầu nộp các khoản phí như: phí tra soát thông tin, phí chuyển hồ sơ giải ngân, phí kích hoạt OTP, phí nộp tài sản đảm bảo… và được hứa hẹn rằng các khoản phí trên sẽ được ngân hàng trả lại sau khi đã lấy lại được tiền bị lừa. Chỉ trong hai ngày 6 và 7/3/2024, chị K đã nộp các khoản phí và chuyển tổng số tiền lên đến 147 triệu đồng nhưng vẫn không lấy lại được tiền mà thay vào đó, các đối tượng đã chặn hết liên lạc của chị K. Khi nhận thấy hành vi của nhóm đối tượng tự xưng là nhân viên, luật sư Công ty luật Trí Minh có biểu hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của mình, chị K đã đến cơ quan Công an huyện Bắc Sơn trình báo lại sự việc. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Qua trường hợp của chị K có thể thấy, các đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, niềm hy vọng lấy lại tiền đã mất của những nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng trước đó để tiếp tục lừa đảo. Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lập ra các website, fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội với tên gọi như: “Cổng tiếp nhận thông tin trình báo lừa đảo trên không gian mạng”; “Lấy lại tiền bị lừa đảo”; “Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”; “Văn phòng luật sư…” để giả danh lực lượng công an, luật sư… đồng thời, đăng tải các nội dung quảng cáo có thể lấy lại tiền sau khi bị lừa đảo qua mạng.
Thượng tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh phân tích: Các đối tượng đã lợi dụng tâm lý tiếc tiền, muốn lấy lại tài sản đã mất để “dẫn dụ” nạn nhân tiếp tục chuyển tiền. Để tạo niềm tin cho người dân, các đối tượng lừa đảo còn xây dựng các đoạn phóng sự giả gắn logo của các cơ quan báo chí uy tín với nội dung về công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, kèm theo các nội dung giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa đảo, thu hồi vốn bị treo.... Thậm chí, để tăng độ uy tín, các đối tượng còn sử dụng hàng loạt các tài khoản ảo để bình luận, tương tác, chia sẻ, cảm ơn vì đã được hỗ trợ lấy lại tiền; xây dựng nhiều câu chuyện hư cấu về những người đã lấy lại tiền thành công để lấy được sự tin tưởng từ các nạn nhân. Trước những thủ đoạn này, người dân cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác. Khi bị lừa đảo nên trình báo cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết.
Thủ đoạn “Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” là thủ đoạn lừa đảo tinh vi, nổi lên từ giữa năm 2024 đến nay. Khi người dân liên hệ để lấy lại tiền, các đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hình thức đã bị lừa, số tiền bị lừa, thông tin tài khoản ngân hàng… sau đó hướng dẫn người dân truy cập vào các website giả mạo với giao diện gần giống của lực lượng công an và cài đặt ứng dụng giả trên điện thoại di động để khai báo rồi chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại. Các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu người dân chuyển tiền để đóng các loại phí, chuyển cọc với giá trị từ 10% đến 20% số tiền bị treo, lừa đảo. Khi người dân chuyển tiền theo yêu cầu sẽ bị các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt số tiền này.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã điều tra, xử lý 47 vụ, 12 bị can, trong đó: lừa đảo trên không gian mạng 34 vụ, 5 bị can; lừa đảo truyền thống kết hợp công nghệ 13 vụ, 7 bị can.
Trước những thủ đoạn tinh vi, ngày càng diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian qua, Công an tỉnh đã ban hành công văn đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để người dân biết, cảnh giác; chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh tiếp tục điều tra, làm rõ các vụ việc mà công dân đã trình báo để xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.
Đại uý Vi Trần Hiển, Phó Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh cho biết: Hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày một gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, trong đó, mới nổi gần đây là thủ đoạn "Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa". Để nâng cao cảnh giác của người dân trước các đối tượng này, chúng tôi đã thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo cấp trên ban hành các văn bản, công văn cảnh báo về phương thức, thủ đoạn tội phạm trên không gian mạng. Cùng đó, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tổ chức và phối hợp xây dựng 25 bài viết, phóng sự, phát 2.000 tờ rơi về nội dung trên; đăng tải gần 210 tin, bài, ảnh trên mạng xã hội, thu hút gần 15.000 lượt tương tác...
Bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh thông tin: Pháp luật không quy định luật sư có chức năng lấy lại tiền bị lừa đảo của các bị hại. Nếu người dân bị lừa đảo trên không gian mạng có thể đến văn phòng luật sư, công ty luật trực thuộc Đoàn luật sư tỉnh hoặc các tổ chức hành nghề luật sư hợp pháp khác đóng trên địa bàn tỉnh để được luật sư tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hướng dẫn bị hại thực hiện quyền tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra luật sư có thể tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bị hại (theo hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa luật sư với khách hàng) nếu bị hại có nhu cầu từ giai đoạn tiền khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và cả giai đoạn thi hành án.
Có thể nói, tội phạm công nghệ cao sẽ tiếp tục xây dựng những “kịch bản”, chiêu trò lừa đảo mới, ngày càng tinh vi, xảo quyệt với mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Do đó, cùng với sự vào cuộc tuyên truyền, đấu tranh của các cấp, ngành, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, chủ động tiếp cận với các nguồn tin chính thống, trang bị kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả.


Ý kiến ()