Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức từ thuế quan của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như thủy sản, gỗ, điện tử, dệt may,... Nếu chính sách thuế đối ứng được áp dụng, chắc chắn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại toàn cầu.

Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI tổ chức ngày 18/4, tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam 90 ngày. Do đó, đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm ứng phó hiệu quả với sắc thuế mới của Hoa Kỳ hiện nay. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng, sức chống chịu và vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi thương mại toàn cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đề xuất áp mức thuế đối ứng lên hơn 180 nền kinh tế thế giới, trong đó Việt Nam chịu mức 46% đã tạo ra cơn địa chấn thương mại toàn cầu, báo hiệu một bước ngoặt mới cho thương mại toàn cầu, tạo ra sự lên ngôi của xu thế bảo hộ đơn phương và khó lường trong điều hành chính sách thuế quan.
Mặc dù mới đây, Hoa Kỳ đã thông báo tạm hoãn áp mức thuế đối ứng trong 90 ngày, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nhiều rủi ro, thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo rà soát của VCCI, Hoa Kỳ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị,… Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử,...
Điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề do mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất. Từ đó kéo theo người lao động mất việc làm, ảnh hưởng tới an sinh xã hội, tăng trưởng chung của kinh tế đất nước.
Do đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, trong nguy luôn có cơ, bởi các doanh nghiệp cần phải coi đây là thời điểm để Việt Nam nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoa Kỳ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị,… Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử,...
Cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng sang các khu vực ít rủi ro hơn. Cùng với đó, với thị trường trong nước đầy tiềm năng, quy mô 100 triệu dân, dân số trẻ, cần quan tâm hơn đến phát triển thị trường nội địa. Coi đây chính là trụ đỡ vững chắc. Đồng thời, phải tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương với Hoa Kỳ, khẳng định vị thế là đối tác đáng tin cậy trong các lĩnh vực xanh, sạch.
Tại hội thảo, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, dù chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc Hoa Kỳ đề xuất áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã tạo ra một số thách thức đối với nền kinh tế. Do đó, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm dịch vụ và nguồn vốn để thích ứng với chuyển đổi xanh và mô hình kinh doanh tuần hoàn là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Với kịch bản dự báo Hoa Kỳ áp thuế đối ứng khoảng 20 đến 25% lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, ước tính giá trị phải trả thêm khoảng 55 tỷ USD/năm. Trong trường hợp Việt Nam giảm thuế xuống 0% cho hàng Hoa Kỳ, tổn thất giảm thu thuế ước tính khoảng 1,2 tỷ USD.
Song, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Việt Nam có một số cơ hội nhất định khi có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác; cơ hội mới từ xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng,...
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Hoa Kỳ, tăng cường đối thoại, đàm phán qua các kênh. Sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Hoa Kỳ bằng cách tăng nhập khẩu hàng, tiếp tục giảm thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ,....
Việc tìm giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn mở ra cơ hội khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ý kiến ()