Bảo đảm công bằng thuế trong thương mại điện tử xuyên biên giới
Trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, yêu cầu về quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các quy định trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) mà Bộ Tài chính xây dựng, được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề quản lý thuế đang tồn tại, đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Dự thảo luật và những điểm mới và kỳ vọng
Trước khi có những điều chỉnh trong dự thảo Luật Quản lý thuế và Luật Thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp trong nước đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài. Các công ty xuyên biên giới này, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thường lợi dụng lỗ hổng trong chính sách thuế để tránh nghĩa vụ thuế. Điều này không chỉ làm giảm thu ngân sách mà còn tạo ra một môi trường không công bằng cho các doanh nghiệp nội địa.
Một trong những thí dụ điển hình là các nền tảng quảng cáo trực tuyến lớn như Google và Facebook. Mặc dù các nền tảng này có doanh thu khổng lồ từ các doanh nghiệp Việt, nhưng nếu thanh toán qua thẻ quốc tế, phần thuế giá trị gia tăng gần như bị bỏ ngỏ. Điều này khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo trong nước rơi vào thế bất lợi rõ rệt, bởi họ không chỉ phải chịu thuế mà còn phải tuân thủ các quy định về kê khai và nộp thuế thuế giá trị gia tăng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Vũ Bảo Thắng, Phó Ban phát triển nguồn nhân lực – Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Giám đốc điều hành Meta Ecom, việc này gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước: “Các doanh nghiệp nội muốn quảng cáo hay bán hàng qua nền tảng số phải chịu rất nhiều chi phí tuân thủ. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần đặt quảng cáo, nhận thanh toán quốc tế mà không phải kê khai thuế, không chịu giám sát. Nếu không sửa luật, không thay đổi cơ chế quản lý thì doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục yếu thế".
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục các bất cập hiện tại và tạo ra một sân chơi cạnh tranh công bằng hơn.
Một trong những điểm nổi bật trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là việc bổ sung quy định chi tiết về nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới. Theo đó, các đối tượng này sẽ phải đăng ký, kê khai và nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam thông qua Cổng thông tin điện tử của Cục Thuế. Điều này sẽ giúp cơ quan thuế có thể theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các nhà cung cấp nước ngoài, bảo đảm họ thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Nếu nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế gián tiếp. Những biện pháp này bao gồm yêu cầu ngân hàng khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm. Việc quy định rõ ràng và cụ thể các biện pháp cưỡng chế này là rất quan trọng để bảo đảm các nhà cung cấp nước ngoài không thể lách luật.
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cũng bổ sung quy định xác định rõ nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Theo đó, nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam sẽ phải kê khai và nộp thuế thuế giá trị gia tăng. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này, thuế sẽ được chuyển giao cho tổ chức trung gian như sàn giao dịch thương mại điện tử, ngân hàng hoặc tổ chức thanh toán.
Ông Thắng cho biết: “Đây là bước điều chỉnh rất đáng ghi nhận. Trước đây, các nhà cung cấp nước ngoài có thể tránh nộp thuế thuế giá trị gia tăng hoặc chỉ nộp ở mức thấp (5% trên doanh thu), tạo lợi thế giá so với doanh nghiệp nội địa, vốn phải chịu thuế thuế giá trị gia tăng cao hơn từ 8-10%. Luật mới sẽ đưa mức thuế thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài lên 10%, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước". Điều này sẽ giúp giảm sự chênh lệch giá giữa doanh nghiệp nội và ngoại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh công bằng hơn trong thị trường.
Những thách thức cần giải quyết
Mặc dù dự thảo luật có nhiều bước tiến tích cực, các chuyên gia cho rằng thách thức lớn nhất vẫn nằm ở việc thực thi. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các nhà cung cấp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Để việc thu thuế hiệu quả, cần phải xây dựng một hệ thống dữ liệu tập trung, kết nối thông tin giữa các cơ quan chức năng, ngân hàng, tổ chức thanh toán và các nền tảng số.
Không thể kỳ vọng nhà cung cấp nước ngoài tự giác tuân thủ nếu không có chế tài cụ thể. Các công cụ cưỡng chế thông qua ngân hàng, tổ chức thanh toán hay cơ quan quản lý thông tin sẽ cần được vận hành hiệu quả.
Ông Vũ Bảo Thắng, Phó Ban phát triển nguồn nhân lực – Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Giám đốc điều hành Meta Ecom
Ông Thắng nhấn mạnh: “Không thể kỳ vọng nhà cung cấp nước ngoài tự giác tuân thủ nếu không có chế tài cụ thể. Các công cụ cưỡng chế thông qua ngân hàng, tổ chức thanh toán hay cơ quan quản lý thông tin sẽ cần được vận hành hiệu quả". Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là các quy định trong luật mà còn là khả năng triển khai các biện pháp này trong thực tế.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, luật sư Nguyễn Xuân Dũng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cũng chia sẻ thêm: “Các quy định đã có nhưng để thực thi, cần sự vào cuộc sớm và đồng bộ của các cơ quan chức năng. Nếu không có thông tin về giao dịch và dòng tiền, việc xác định nghĩa vụ thuế sẽ gặp rất nhiều khó khăn". Luật sư Nguyễn Xuân Dũng nhấn mạnh rằng việc theo dõi dòng tiền xuyên biên giới là một thách thức lớn, vì nhiều giao dịch thường được thực hiện qua các nền tảng thanh toán quốc tế mà không có sự giám sát của cơ quan thuế Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng sẽ cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng và các sàn thương mại điện tử nhằm xác định rõ trách nhiệm thuế.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến, kỳ vọng rằng các quy định trong dự thảo sẽ tạo ra một sân chơi công bằng hơn giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Với việc quy định rõ ràng nghĩa vụ thuế của các nhà cung cấp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước sẽ không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ các nhà cung cấp xuyên biên giới.
Ông Vũ Bảo Thắng cho biết thêm: “Hiện tại, doanh nghiệp nội muốn quảng cáo hay bán hàng qua nền tảng số phải chịu rất nhiều chi phí tuân thủ. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần đặt quảng cáo, nhận thanh toán quốc tế mà không phải kê khai thuế, không chịu giám sát. Nếu không có sự điều chỉnh này, doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục yếu thế". Việc áp dụng các quy định thuế mới là cần thiết để giảm thiểu lợi thế không công bằng mà các nhà cung cấp nước ngoài có được từ việc tránh thuế.
Tuy nhiên, việc tăng thuế cũng có thể dẫn đến giá sản phẩm cao hơn, đặc biệt đối với các cá nhân hoặc doanh nghiệp không đăng ký thuế giá trị gia tăng, vì họ không thể khấu trừ thuế đầu vào. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, nhưng nhìn chung, đây là bước đi cần thiết để thúc đẩy một thị trường minh bạch và công bằng hơn.
Các quy định trong dự thảo Luật Quản lý thuế và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) là bước đi quan trọng để bảo đảm sự công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ, thiết lập cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin và đưa ra các hướng dẫn cụ thể để thực thi các quy định hiệu quả.

Ý kiến ()